Hồi chuông cảnh tỉnh từ cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson ngày 14/10 nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại châu Âu được coi là hồi chuông cảnh tỉnh rõ ràng nhất về những mối nguy khó lường khi các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hoá thạch.

Bà Kadri Simson cho rằng, chính phủ các nước phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, đồng thời khẳng định “sẽ không bao giờ là quá muộn khi chuyển dịch và đẩy nhanh quá trình chuyển xanh năng lượng”.

Euronews ngày 14/10 đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố “hộp công cụ”, gồm danh sách của một loạt biện pháp mà các nước EU có thể áp dụng để "hạ nhiệt" giá năng lượng tăng cao nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và ngành công nghiệp, trong bối cảnh các nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại ở mức độ cao sau một thời gian đình trệ vì đại dịch COVID-19.

Cụ thể, các biện pháp mà phía EU đưa ra bao gồm: hỗ trợ thu nhập khẩn cấp cho các hộ gia đình để giúp họ thanh toán hóa đơn chi tiêu năng lượng, viện trợ nhà nước và giảm thuế có mục tiêu cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, các quốc gia thành viên cũng có thể áp dụng việc trì hoãn yêu cầu thanh toán hóa đơn và thực hiện các quy trình liên quan để đảm bảo rằng không ai bị ngắt kết nối với lưới điện.

Theo Cao uỷ phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson, mùa đông đang đến và đối với nhiều người, hoá đơn tiền điện mà họ phải thanh toán đều ở mức kỷ lục trong vòng một thấp kỷ vừa qua. Do đó, EU hối thúc các thành viên áp dụng các biện pháp đã nêu để duy trì nhịp sinh hoạt thường nhật cho người dân và doanh nghiệp.

Giới chuyên gia nhận định, chính sách ưu tiên ngay lập tức này có thể giúp giảm nhẹ những tác động xã hội và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương, qua đó bảo đảm việc thiếu năng lượng sẽ không khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Hồi chuông cảnh tỉnh từ cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu -0

EC hối thúc các nước thành viên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh bền vững. Ảnh: CNN .

Là người công bố “hộp công cụ”, tuy nhiên, bà Kadri Simson cho rằng, các biện pháp nêu trên do cơ quan điều hành EU đưa ra chỉ mang tính tạm thời. Bà viện dẫn một báo cáo của EC nêu rõ, giá bán buôn điện đã tăng 200% so với mức trung bình năm 2019 tại “lục địa già”, đặc biệt, giá khí đốt bán buôn tăng lên mức cao kỷ lục ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ý dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong suốt mùa đông. Mức giá hiện tại dự kiến sẽ chỉ giảm vào mùa xuân, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của những năm qua.

Vì vậy, Cao uỷ Kadri Simson nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại châu Âu được coi là hồi chuông cảnh tỉnh rõ ràng nhất về những mối nguy khó lường khi các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hoá thạch”.

Hãng Eurostat cho biết, hầu hết các nước EU phải dựa vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt để đáp ứng nhu cầu điện, và khoảng 40% lượng khí đốt đó đến từ Nga. Do đó, phía EC cũng công bố một loạt các biện pháp dài hạn mà các nước thành viên nên xem xét để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giải quyết sự biến động của giá năng lượng.

“Ưu tiên trước mắt là bảo vệ người tiêu dùng, nhưng bước tiếp theo sẽ phải trả lời cho câu hỏi làm thế nào để hệ thống năng lượng trở nên bền vững hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn, nhằm tránh được những tình huống tương tự trong tương lai. Biện pháp dài hạn duy nhất ở thì hiện tại là chính phủ các nước phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này và sẽ không bao giờ là quá muộn khi chuyển dịch sang khai thác các dạng năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Việc này sẽ giúp chống lại cú sốc về nhu cầu và biến động giá”.

Chưa hết, phía EC dự kiến sẽ đề xuất thêm với các nhà lãnh đạo EU một gói các biện pháp nhằm khử carbon trên thị trường khí đốt của châu Âu cũng như tăng công suất lưu trữ khí đốt và mua chung khí đốt ở cấp độ EU.

Nêu quan điểm về những biện pháp của EC, nhiều nhà phân tích năng lượng cho rằng, châu Âu không nên rời xa nguồn năng lượng hoá thạch quá nhanh chóng, trước khi đảm bảo được các nguồn năng lượng tái tạo đủ đáp ứng nhu cầu trong mọi tình huống, kể cả trường hợp khẩn cấp.

Trả lời phỏng vấn hãng Bloomberg, ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) nêu rõ, quá trình chuyển đổi của châu Âu sẽ kéo dài một vài thập kỷ và nếu EU không thể hiện rõ vai trò của cơ quan này, xung đột giữa các nước thành viên sẽ lan rộng không chỉ về vấn đề năng lượng.

Trong một diễn biến có liên quan, Phát ngôn viên Điện Kremlin cùng ngày cho biết, nước này sẵn sàng tăng lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine nếu EU mua nhiều hơn và Kiev đề xuất các điều kiện chuyển tải cạnh tranh.

Theo ông Peskov, điểm chính để Kiev giải quyết vấn đề duy trì trung chuyển "là những người mua khí đốt ở châu Âu, các công ty châu Âu, họ có thể ký một thỏa thuận dài hạn mới với công ty độc quyền Nga với khối lượng lớn hơn, tính đến nhu cầu ngày càng tăng về nhiên liệu xanh”.

Ông Peskov nhấn mạnh: "Tổng thống Nga đã nhiều lần nói rằng nếu EU tiếp tục mua khí đốt của Nga, nếu họ tăng hợp đồng và nếu Ukraine đưa ra các đề nghị thương mại cạnh tranh, thì tất cả những điều này sẽ tiếp tục được thực hiện một cách hiệu quả”. Trước đó, Nga đã hỗ trợ tăng tối đa nguồn cung khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng hiện có.

Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất thập kỷ Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất thập kỷ

Đất nước 1,4 tỷ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu than trên diện rộng. Than được sử dụng để tạo ra khoảng 70% ...

/ cand.com.vn