Một số phụ huynh phản ánh với giáo viên, chị và con đăng nhập mãi mới vào được lớp học thì đã nghe cô chào tạm biệt cả lớp.
Mấy ngày nay, ngày nào lớp học trực tuyến của tôi cũng có khoảng 13 học sinh theo học. Trong khi dạy, tôi thấy cũng khá nhiều phụ huynh đăng nhập nhưng chỉ được một lúc là thoát ra. Có những em chỉ thấy dòng tên hiện lên nhưng không thấy người và cũng chẳng nghe tiếng.
Khi được hỏi, phụ huynh cho biết, nhà có một cái điện thoại nên bố đi công chuyện là bé không có gì để học. Nhà có hai anh em thì chỉ một người được học. Có em đang học nhưng cuộc gọi đến lại phải đợi để ba mẹ nói chuyện xong rồi mới vào học tiếp. Thương nhất là cô bé K.T, mẹ cô bé nói rằng: “Em đăng nhập mãi mới vào được lớp thì đã nghe cô chào tạm biệt mất rồi”.
Giờ học bắt đầu từ 15h mỗi ngày, nhưng phụ thuộc thiết bị học của ba, mẹ và do mạng quá chậm nên nhiều học sinh dù muốn cũng không thể tham gia học.
“Chán quá cô ơi! Vào được một lúc thì lại thoát ra không vào lại được nữa”; “Từ hôm học đến giờ, con em chưa được chữ nào cả. Ngồi cả buổi mà màn hình cứ đen thui, cô giảng trò không nghe gì hết”, là chia sẻ của nhiều người sau buổi dạy online.
Một số đồng nghiệp cũng chia sẻ với nhau về sự cố nghẽn mạng khi dạy. “Khi sáng chị cũng dạy 2 tiết mà học trò cứ vào rồi ra, phụ huynh thì gọi điện hỏi đủ thứ …”. Có cô chán nản nói rằng: “Cô ra... trò vào ...out liên tục. Hơn nửa lớp ở ngoài không học được”.
Trẻ học online. (Ảnh minh họa) |
Giáo viên đang nỗ lực hết mình
Hiện Hà Nội, TP.HCM tổ chức dạy online, nhiều tỉnh thành khác cũng có kế hoạch dạy online vào ngày 13/9 và 20/9 (nếu dịch bệnh chưa được đẩy lùi). Tuy nhiên các giáo viên đã triển khai ôn tập online cho học sinh từ tuần vừa qua với mong muốn các em làm quen với việc học và thao tác máy.
Có thầy cô giáo ngày dạy online, tối tranh thủ đăng ký học thêm các lớp dạy thiết kế bài giảng, vào các phần mềm trực tuyến (hoặc học hỏi thêm nhiều đồng nghiệp) để học nâng cao kỹ thuật giúp cho những bài dạy sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn học sinh hơn.
Nếu 1/3 học sinh học thì 2/3 em khác thế nào?
Cái khó để dạy online cho học sinh tiểu học lúc này không phải từ giáo viên mà từ rất nhiều nguyên nhân như tôi phân tích ở trên. Thầy cô giáo nào chẳng muốn các em học chăm, học tốt. Bởi thế, nếu cứ bắt buộc dạy online, điều làm chúng tôi băn khoăn nhất lúc này chính là không thể huy động 100% học sinh tham gia học tập.
Và như thế, 2/3 học sinh không thể học sẽ thế nào khi các em trở lại trường? Một vài em còn có thể phụ đạo, hơn nửa lớp giáo viên sẽ phụ đạo lúc nào? Dạy lại chương trình sao?
Nếu thế có nhất thiết buộc phải triển khai năm học ngày lúc này? Nếu chúng ta vẫn phải chạy chương trình tiếp thì 2/3 học sinh chưa được học online ấy buộc phải đi học thêm. Sợ rằng lúc đó, áp lực thời gian, tiền bạc lại dồn lên vai các em và gia đình.
Giải pháp nào cho học sinh tiểu học?
Giáo viên vẫn tổ chức dạy online nhưng là dạy ôn tập cho học sinh để các em không quên kiến thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thiết kế lại thời lượng chương trình khoảng 25 tuần và giao cho giáo viên chủ động tinh giản nội dung kiến thức để chỉ tập trung dạy những kiến thức trọng tâm.
Giảm thời lượng một số môn học như Thể dục (2 tiết/lớp/tuần) còn 1 tiết. Gộp Mỹ thuật, Âm nhạc, Thủ công (3 tiết/tuần) chỉ còn 2 tiết để tăng thêm cho các môn Toán, tiếng Việt và ngoại ngữ.
Được thế, dù đến trường trễ nhưng các em vẫn sẽ nắm được bài, đảm bảo tốt mục tiêu giáo dục.