Mặc dù người dân Mỹ muốn nước mình đứng ngoài vòng xoáy căng thẳng giữa Nga-Ukraine nhưng cuộc chiến mới xảy ra được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tài chính của họ.
Giá dầu đã tăng trong suốt năm qua và trong tuần này đạt mức cao nhất trong 8 năm. Theo các chuyên gia, giá khí đốt có khả năng tăng cao hơn nữa.
Các nhà phân tích Phố Wall cảnh báo tác động kinh tế do xung đột Ukraine còn có thể vượt xa ngoài lĩnh vực cung cấp nhiên liệu. Các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế xuất khẩu đối với Nga có thể khiến tình trạng thiếu chất bán dẫn trở nên còn tồi tệ hơn, thậm chí lạm phát có thể đạt mức kỷ lục nếu áp dụng với mặt hàng lúa mì hoặc kim loại.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn, chiếm khoảng 12% nguồn cung của thế giới. Các chuyên gia cho biết, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có thể khiến người tiêu dùng chịu ảnh hưởng.
Ngày 24/2, ngay sau Nga có động thái quân sự với Ukraine, giá dầu thô đã vượt mức 100 USD/thùng.
Ngoài ra, việc Nga ứng phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng là nhân tố quan trọng quyết định đến tác động của xung đột đến kinh tế. Hôm 22/2, Tổng thống Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt với hai ngân hàng lớn của Nga cũng như các khoản nợ công của nước này.
Nga có thể đáp trả bằng việc tạm ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt, khiến giá thành hai loại sản phẩm này tại Mỹ tăng cao. Patrick Dehaan, chuyên gia phân tích thị trường của Gasbuddy cho biết, nền kinh tế thế giới dựa vào nguồn cung năng lượng toàn cầu. Nga có thể “đánh liều” nền kinh tế của mình với việc ngừng xuất khẩu dầu khí, tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ hứng chịu hậu quả.
Bên cạnh dầu khí – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, cả Nga và Ukraine đều là hai nước xuất khẩu nông nghiệp như: lúa mì, lúa mạch đen, và các loại ngũ cốc khác đến Trung Á và Trung Đông. Sự gián đoạn hàng hóa có thể khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao hơn, gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ.
Nga cũng sản xuất gần một nửa lượng palladium trên thế giới và bạch kim, niken - những nguyên tố quan trọng trong các vi mạch phức tạp được sử dụng trong “mọi thứ từ đồng hồ đo điện đến những chiếc BMW”, theo Joe Brusuelas, chuyên gia tại Công ty kế toán RSM.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho biết Ukraine là nhà sản xuất uranium hàng đầu châu Âu và có trữ lượng lớn titan, mangan, sắt và thủy ngân. Theo ông Boockvar, tình trạng bạo lực chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất và cung ứng các loại mặt hàng quan trọng này.
Gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Mỹ kể từ khi đại dịch COVID-19, các loại hàng hóa như ô tô, đồ điện tử và đồ nội thất bị đẩy giá lên cao.
Sự tắc nghẽn nguồn cung từ những nước sản xuất quan trọng có thể làm tồi tệ thêm tình trạng thiếu chất bán dẫn hiện tại và tiếp tục đẩy giá ô tô, đồ điện tử và các mặt hàng khác lên cao.
Giá cả hàng hóa tăng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn cho nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, do đó sẽ dành ít tiền hơn cho chi tiêu cá nhân. Một số chuyên gia nhận định tầng lớp trung lưu và lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Và khi xảy ra một cuộc chiến toàn diện tại Ukraine hay những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với Nga, cú sốc về giá năng lượng và tiêu thụ sụt giảm có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1%, theo ông Brusuelas.
Tiến Dũng (Theo CBS News)
Nga ứng phó thế nào với đòn trừng phạt của phương Tây giữa “điểm nóng” Ukraine? |
Quốc gia nào sẽ đứng ra bảo vệ Ukraine? |