Bộ GTVT đưa ra hai phương án xử lý với cầu Đuống hiện tại. Trong đó, xây mới cầu Đuống (cầu đuống 2) và cải tại cầu đuống hiện nay để cho đường sắt lưu thông và đường sắt đô thị tuyến số 1.
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về đề xuất chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng của Bộ GTVT.
Để chuẩn bị cho việc nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, Bộ GTVT đã đề xuất hai phương án.
Cụ thể, phương án 1, xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi).
Theo phương án này, cầu mới vừa có tĩnh không bảo đảm thông thuyền, vừa phù hợp với thiết kế của tuyến đường sắt trong tương lai. Cùng đó, sẽ xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư khoảng 2.550 tỷ đồng.
Sẽ xây mới cầu Đuống 2 kết hợp cải tạo, nâng tĩnh không cầu Đuống hiện tại
Phương án 2, cải tạo cầu Đuống hiện có để nâng tĩnh không bảo đảm khả năng thông thuyền (theo tiêu chuẩn cao 9,5m, rộng 50m). Đồng thời, xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư khoảng 1.210 tỷ đồng.
Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép tách riêng dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống đường sắt để xem xét đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và có ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội khẩn trương bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời dự án xây dựng cầu Đuống đường bộ đồng bộ với dự án cầu đường sắt.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, hiện tại, cầu Đuống có khổ thông thuyền nhỏ (tĩnh không khoảng 2,8m, bề rộng thông thuyền khoảng 26m). Việc xây dựng nâng cấp cầu để đảm bảo hoạt động của tuyến giao thông đường thủy trên sông Đuống theo tiêu chuẩn cấp 2 là cần thiết.
Trong đó, phương án Bộ GTVT đề xuất là cải tạo cầu Đuống hiện có để có thể nâng/hạ nhịp thông thuyền, đảm bảo tĩnh không đường thủy, các nhịp khác giữ nguyên như hiện tại (phương án 2) là hợp lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT cần chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu các giải pháp thiết kế phù hợp đảm bảo khớp nối, có thể cải tạo nâng cấp các nhịp còn lại để thành cầu đường sắt tuyến số 1 (Yên Viên- Ngọc Hồi) trong tương lai, tránh lãng phí.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Đuống mới (cầu Đuống 2) và đường nối đầu cầu đến địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc danh mục công trình trọng điểm của TP Hà Nội, xác định đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trong cả 2 phương án mà Bộ GTVT đề xuất xem xét đều đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời dự án xây dựng cầu Đuống mới.
Phương án nghiên cứu khi triển khai nâng cấp tĩnh không cầu Đuống cũng cần đánh giá hiện trạng, mức độ tác động, ảnh hưởng đến giao thông thủy và cập nhật tính toán mực nước thiết kế lũ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị thành phố giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội nghiên cứu, tham mưu phương án đầu tư xây dựng cầu Đuống mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Vừa đảm bảo hoàn thiện quy hoạch giao thông, vừa phù hợp với đề xuất của Bộ GTVT.
Vết nứt mố cầu Đuống rất nghiêm trọng: Sớm xử lý triệt để sự cố
Do dòng chảy của sông Đuống thay đổi, nước xoáy sâu vào khu vực mố cầu đầu Bắc tạo ra các vết nứt tại cầu ... |
Mố cầu Đuống xuất hiện nhiều vết nứt, nhà dân được di dời
Nhiều vết nứt chằng chịt, kéo dài trên mố cầu Đuống khiến đường giao thông và một số nhà dân gần chân cầu bị lún, ... |