Tại cuộc họp về tình hình chống dịch COVID-19 trên địa bàn trong thời gian tới, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, sẽ cho học sinh trở lại trường vào tháng 11 sau khi tiêm phủ mũi 2 vaccine cho người dân. Với quan điểm “mở cửa trường học là phải an toàn, an toàn thì mới mở của”, nhiều ý kiến cho rằng, sự thận trọng của chính quyền trong việc cân nhắc thời điểm cho học sinh đi học trở lại là dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị, thành phố xem xét thí điểm cho học sinh tại “vùng xanh” đi học
Ngay sau khi lãnh đạo TP Hà Nội thông tin sẽ cho học sinh đi học trở lại vào tháng 11, dư luận xã hội nói chung, trên mạng xã hội nói riêng đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, quyết định cho học sinh đi học lại vào tháng 11 là cứng nhắc và quá thận trọng. Theo đề xuất của nhóm này, thành phố có thể xem xét cho học sinh đi học trở lại vào tháng 10. Lý do là tình hình hiện nay không còn khái niệm an toàn tuyệt đối với COVID-19 theo kiểu hết F0 hoặc chắc chắn không có F0 trong cộng đồng nữa, ngay cả những nước đã phủ gần đủ 2 mũi vaccine.
Cuộc sống vẫn phải tiếp tục và không thể nhốt trẻ con trong nhà mãi được. “Giờ phụ huynh đã đi làm lại, trẻ con ở nhà học online vừa không hiệu quả, vừa không đảm bảo an toàn khi không có người trông. Toàn dân đã được ra đường bình thường mới mà vẫn giữ các con trong nhà 2 tháng nữa sẽ rất căng. Học online, ngồi trước máy tính nhiều, ở trong nhà cả ngày, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực, sức khoẻ và tâm lý của học sinh”, chị Nguyễn Thu Hải, phụ huynh có con học Tiểu học và THCS tại quận Thanh Xuân cho biết.
Luồng ý kiến thứ hai thì ủng hộ quyết định thận trọng của thành phố với quan điểm mở cửa trường học phải gắn với sự an toàn, với vaccine bởi trẻ em là nhóm yếu thế cần được bảo vệ. Theo lập luận của nhóm này, dịch bệnh không thể nói trước được điều gì. Việc phân vùng xanh, vàng, cam cũng chỉ có ý nghĩa tương đối trong một thời gian nhất định. Do vậy, kéo thời gian “tạm ngừng đến trường” để tập trung phủ 2 mũi vaccine cho người dân rồi mới tính đến việc mở cửa trường học là phù hợp. Trong thời gian các con học online tại nhà, phụ huynh sẽ phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn để có thể “đồng hành” cùng con.
Luồng ý kiến thứ ba lại cho rằng, Hà Nội nên nghiên cứu, xem xét thí điểm cho học sinh tại các quận, huyện thuộc vùng “xanh” có thể đi học trở lại, trước mắt ưu tiên học sinh các lớp đầu cấp, học sinh tiểu học. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn hầu như không có ca F0 nào trong cộng đồng. Do đó, có thể tận dụng thời gian "vàng" này để cho học sinh đến trường học trực tiếp. Trước mắt, để đảm bảo lớp học “giãn cách”, các trường có thể ưu tiên phòng cho học sinh các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 2 và lớp 6 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Tại Bình Dương, dù số ca mắc COVID-19 trong ngày còn nhiều song địa phương này vẫn linh hoạt xây dựng phương án tận dụng “vùng xanh” để cho học sinh được đến trường học trực tiếp. Cụ thể, tỉnh này xây dựng tới 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện. Trong đó, các “vùng đỏ” sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỷ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%. Vùng có nguy cơ ở mức “vàng” có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và tại “vùng xanh”, học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Hà Nội hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm này”, anh Nguyễn Hồng Duy, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai nêu ý kiến.
Theo bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có 85.000 học sinh. Sau gần 1 tháng học trực tuyến, mặc dù các nhà trường đều rất cố gắng nhưng hiệu chỉ đạt khoảng 50-60% so với học trực tiếp. Thực tế cho thấy, học trực tuyến dài ngày ảnh hưởng tác phong, tư thế, ý thức của học sinh. Đặc biệt, với các học sinh đầu cấp như lớp 1, thầy cô phải nắn từng nét bút. Học sinh các lớp 2, lớp 6 phải áp dụng Chương trình SGK mới rất cần hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên.
“Với tình hình dịch bệnh chưa biết kéo dài đến bao giờ, mỗi ngày nội thành lác đác vài ba ca F0 như hiện nay nhưng yêu cầu toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học ở nhà sẽ thiệt thòi và đáng tiếc cho các em thuộc vùng “xanh”, bà Huế cho biết.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong chỉ thị đầu năm học mới gửi các địa phương, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị tận dụng thời gian vàng để dạy học trực tiếp và ngay sau lễ khai giảng, các tỉnh “vùng xanh” đã cho học sinh trực tiếp đến trường. Một số tỉnh thành có ca nhiễm trong ngày ít cũng đã phân vùng để linh hoạt giữa việc dạy học trực tuyến và trực tiếp. Do vậy, Hà Nội cũng cần tính toán để đưa ra giải pháp linh hoạt, phù hợp.
Trong buổi giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 21-9, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Việc cho học sinh trở lại trường học là điều thành phố "rất mong muốn, nhưng cũng phải rất cân nhắc". Cũng theo ông Chữ Xuân Dũng, trong phương án sắp tới, Hà Nội sẽ yêu cầu các trường, các địa bàn đánh giá tiêu chí an toàn, từ đó sẽ xem xét thí điểm triển khai tại một số vùng đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố.
Huyền Thanh
Dân đổ ra đường đêm Trung thu: Thành quả chống dịch của Hà Nội bị thách thức lớn |
Trưa 22/9, Hà Nội công bố 5 ca dương tính SARS-CoV-2 |