Gần 1,7 triệu liều vaccine Covid-19 từ Covax về Việt Nam

Tối 16/5, 1.682.400 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca do cơ chế Covax cung cấp đã được chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bảo quản, chờ kiểm định trước khi phân phối cho các tỉnh triển khai tiêm đợt 3.

Bà Dương Thị Hổng, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết các thùng vaccine được vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ đúng như quy định.

Theo Bộ Y tế, lô vaccine này nằm trong số 4,1 triệu liều được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của cơ chế Covax. Gần 1,7 triệu liều vaccine mới này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.

Lô vaccine lần này do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Lô hàng được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Catalent Biologics ở Anagni, Italy. Vaccine đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công tại Việt Nam kể từ tháng 3.

Vaccine Covid-19 đang được sử dụng tại Việt Nam là của hãng dược AstraZeneca. Trong đó hồi tháng 2 Bộ Y tế nhập hơn 117.000 liều thông qua hợp đồng mua của Công ty VNVC. Cuối tháng 3, Covax cung cấp cho Việt Nam hơn 800.000 liều. Toàn bộ số vaccine này đến nay đã được tiêm hết, ưu tiên cho những nhóm trong tuyến đầu chống dịch.

Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 8/3. Hiện, cả nước tổng cộng đã tiêm cho 977.032 người. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 22.512 người. Những người đã tiêm là nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đánh giá trên 600.000 người đã tiêm vaccine Covid-19, 16% có phản ứng thông thường sau tiêm. Những phản ứng này mất đi sau 24 giờ tiêm. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nước, theo Bộ trưởng. Một vài trường hợp có phản ứng nặng hơn đã được các bác sĩ xử lý ổn định; một ca tử vong do phản vệ sau tiêm.

Bộ Y tế hiện nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã nhận được cam kết khoảng 110 triệu liều vaccine cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí.

Các nguồn vaccine khác của Moderna, Johnson&Johnson và của các quốc gia như Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine để phục vụ người dân.

Cơ chế Covax do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vaccine Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác triển khai chính, nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Việt Nam kêu gọi miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19 Việt Nam kêu gọi miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19

Việt Nam kêu gọi các nước chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền để sớm phổ biến vaccine Covid-19 toàn thế giới, theo người ...

Mỹ cấp phép tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi Mỹ cấp phép tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi

Mỹ ngày 10/5 đã mở rộng việc sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, một động thái nhằm ...

Cuba bắt đầu tiêm chủng đại trà vaccine ‘cây nhà lá vườn’ Cuba bắt đầu tiêm chủng đại trà vaccine ‘cây nhà lá vườn’

Cuba bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine COVID-19 tự sản xuất và dự kiến ​​sẽ hoàn thành quá trình này vào tháng 8.

/ vnexpress.net