Cầu sắt bị lũ cuốn trôi, mấy hôm nay, gần 1.500 người dân xã Đăk PNe bị cô lập, không thể vào trung tâm huyện Kon Rẫy mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt.
Chiều 30/10, ba ngày sau bão Molave đổ bộ vào đất liền, nước sông Đăk PNe (bắt nguồn từ tỉnh Gia Lai), huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đã rút, đục ngầu. Cây khô và cỏ rác bị nước lũ cuốn đánh dạt vào bờ, một số mắc lại trên mố cầu. Cây cầu sắt dài 60 m bị nước lũ cuốn trôi xa khoảng 30 m, một phần nhỏ còn nhô lên mặt nước.
Một phần cầu sắt nhô lên mặt nước sau ba ngày bị lũ cuốn, chiều 30/10. Ảnh: Trần Hoá. |
Ở hai bên bờ sông, bùn đất nhão nhoét, hàng chục người dân và lực lượng chức năng đang tìm cách đưa chiếc canô của Công an tỉnh Kon Tum xuống sông để đưa người và lương thực vào ra thôn 2,3,4 (hơn 400 hộ, gần 1.500 người). Nhiều ôtô của mạnh thường quân chở mì tôm, gạo, nước mắm... ủng hộ người dân.
Anh A Nghin, 38 tuổi, ngồi trên thành cầu, đợi canô để sang sông. Mấy hôm nay cầu trôi, anh không thể ra trung tâm huyện mua thức ăn, đồ dùng cá nhân và xăng.
Anh Nghin cho biết hai ngày sau trận lũ, hàng chục cán bộ, thanh niên trong làng có mở con đường nhỏ quanh núi, song đi nó xa hơn 15 km, lầy lội, dễ sạt lở và phải qua một cầu treo. Nếu đi xe máy cần phải có người đi cùng để đẩy. "Hôm nay nghe nói có thể qua sông bằng canô, tôi đến đây ngồi đợi từ sớm", anh Nghin nói.
Từ vị trí cầu bị cuốn trôi, vào sâu bên trong khoảng 2 km mới có cư dân sinh sống. Một bên là núi cao, một bên là sông Đăk Pne. Chị Y Toanh, 28 tuổi, đang chuẩn bị bữa tối cho gia đình, nhưng chỉ có cơm và lá mì xào. Người phụ nữ Ba Na cho biết, từ hôm sập cầu đến nay, thương lái bán đồ ăn không thể vào làng, chị cũng không thể ra huyện mua cá, thịt. "Hôm qua may còn cá khô để ăn", chị Toanh nói.
Để đảm bảo an toàn, cảnh sát buộc người dân mang áo phao trước khi lên canô, chiều 30/10. Ảnh: Trần Hoá. |
Vợ chồng chị Toanh có hai người con, đứa gái lớn đang học lớp 9 ở trường nội trú huyện. Hôm 28/10, lụt bão nên nhà trường cho nghỉ học hai ngày, sáng đó chị định chạy xe máy ra trường đón con về nhà nhưng đến cầu đã thấy nước dâng cao, cán bộ xã ngăn chặn không cho đành quay về. "Đến trưa thì tôi nghe tin cầu bị nước lũ cuốn trôi", chị Toanh nhớ lại.
Những ngày qua, vợ chồng chị cảm thấy lo lắng vì chẳng biết rẫy cà phê 800 cây ở bên kia sông có bị mưa bão làm hư hỏng gì không. Khi nghe chính quyền đưa canô về, chị giục chồng qua sông để thăm rẫy.
Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Đăk PNe cho biết, cầu sắt hoàn thành nằm 2006, dài 60 m, rộng 3 m, là con đường duy nhất dẫn vào 3 thôn - nơi có 98 % người đồng bào Ba Na sinh sống và trụ sở UBND xã.
"Hai ngày nay tôi vào cơ quan làm việc bằng con đường mới mở, tuy nguy hiểm và xa nhưng không còn cách nào khác", ông Phương nói cho biết, lương thực dự trữ của địa phương vẫn đảm bảo cho người dân trong vòng một tuần.
Theo ông Phương, việc đưa người dân qua lại bằng canô chỉ là biện pháp tạm thời, sắp tới chính quyền địa phương sẽ làm một cây cầu tạm để người dân thuận tiện qua lại, sau đó mới xin kinh phí sửa chữa lại cây cầu bị cuốn trôi.
Người dân xã Đăk PNe ngồi đợi canô để sang sông. Ảnh: Trần Hoá. |
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão lũ vừa qua, địa phương còn bị nước cuốn trôi đập tràn 60 m, 100 m đường bêtông vào khu sản xuất sạt lở hoàn toàn. Gần 30 ha lúa, 16 ha mì thiệt hại.
Không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão Molave, song mưa lớn, gió mạnh buộc tỉnh Kon Tum phải di dời gần 100 hộ dân đến nơi an toàn. Gần 30 căn nhà dân bị tốc mái, nghiêng đổ. Khoảng 30 ha diện tích cây lúa nước, cây mì và cây cà phê... hư hại.
Tỉnh Gia Lai có 3 căn nhà sập hoàn toàn, tốc mái gần 200 căn nhà. 77 ha lúa, 300 ha mía, 7 ha cây ăn quả và 200 trụ tiêu ngã đổ.
Trần Hoá
Mưa lớn làm sập cầu treo ở Kon Tum, nhiều hộ dân bị chia cắt
Mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Đăk Pxy ở Kon Tum dâng cao, chảy xiết làm sập cầu treo dân sinh phục vụ ... |