Bác sĩ Sibylle Katzenstein đã luyện tập hàng nghìn lần để có thể tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất, nhưng phòng khám của bà ở Berlin chưa nhận được liều nào. - VnExpress
"Thật tốt nếu tôi có ít nhất 10 liều vaccine trong tủ lạnh. Tôi đã tốn rất nhiều thời gian và không khỏi thất vọng khi cuối cùng những người cần đến chúng lại không được tiêm", bà nói.
Sau nhiều lần bày tỏ nguyện vọng nhận vaccine lên nhà chức trách nhưng đều bị từ chối, nữ bác sĩ đa khoa này không biết phải làm sao để bệnh nhân có nguy cơ cao của mình được tiêm chủng. "Tôi rất lo lắng nhưng không biết phải bày tỏ với ai", bà cho hay.
Edith Kwoizalla, 101 tuổi, được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên tại Halberstadt, Đức, tháng 12/2020. Ảnh: AFP. |
Không phải chỉ riêng Katzenstein lo ngại về điều này. Nhiều người đã mô tả chiến dịch triển khai tiêm chủng của Đức là một cơn ác mộng quan liêu với những hậu quả chết người, dù nước này từng được ca ngợi vì thành công trong nỗ lực ứng phó với đại dịch.
Đầu năm ngoái, Đức được ví như một "thành trì" trong cuộc chiến chống Covid-19, khi các bang và chính quyền trung ương chuẩn bị tốt các biện pháp ứng phó từ khi tình hình chưa nghiêm trọng.
Đức khi đó đạt thành công đáng ngưỡng mộ nhờ xét nghiệm diện rộng và phản ứng nhanh trước các ổ dịch. Dù áp đặt các lệnh hạn chế nhẹ nhàng nhất ở châu Âu và ghi nhận số ca nhiễm cao, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Đức vẫn giữ ở mức thấp.
Nhưng khi làn sóng lây nhiễm tiếp theo bùng lên vào cuối năm, chính cách tiếp cận "nhẹ tay" với phong tỏa này lại khiến hình tượng chống dịch của Đức sụp đổ. Đức khi đó ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV trên đầu người cao hơn bất kỳ nào trong số 5 quốc gia lớn nhất châu Âu. Mọi thứ cũng trở nên tệ hại với chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của nước này.
Kể từ sau tiêm mũi vaccine đầu tiên hồi tháng 12, Đức đến nay mới chỉ tiêm chủng được cho khoảng 6% dân số, với khoảng 5 triệu liều đầu tiên và 3 triệu liều thứ hai.
Một phần của vấn đề nằm ở việc Đức chỉ tiêm vaccine tại các trung tâm tiêm chủng nhất định, chứ không cho phép tiêm tại phòng khám của bác sĩ. Cách tiếp cận này rất khác với Anh, nơi các bác sĩ địa phương đã tiêm vaccine cho người dân suốt nhiều tháng qua. Đến nay, hơn 30% dân số Anh đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thừa nhận thất bại khi triển khai chương trình tiêm chủng. Hôm 3/3, bà cho biết các phòng khám tư có thể tiêm vaccine cho bệnh nhân bắt đầu từ cuối tháng này.
Katzenstein lưu ý rằng Đức hiện có khoảng 50.000 phòng khám tư nhân trên cả nước và việc cho phép họ tiêm chủng sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận hơn với vaccine Covid-19.
Hệ thống để bệnh nhân đặt chỗ tiêm vaccine tại một trung tâm tiêm chủng Đức tương đối phức tạp và quy trình cũng không thống nhất ở các bang. Katzenstein lưu ý rằng với những cụ già 90 tuổi, việc sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến là rất khó khăn.
"Tôi nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm xã hội giống như toàn thể đất nước đang trong vòng phong tỏa", bà nói. "Chúng ta cần làm mọi thứ một cách nhanh chóng, thực tế".
Đức đã ban hành nhiều lệnh phong tỏa ở các mức độ khác nhau từ tháng 11 năm ngoái và tuần qua, các biện pháp hạn chế tiếp tục được gia hạn tới cuối tháng ba. Tuy nhiên, yếu tố hậu cần và bộ máy quan liêu chỉ là một phần của vấn đề.
Khi đại dịch mới bùng phát hồi năm ngoái, mọi thứ đã ở đúng vị trí của chúng, sẵn sàng để Thủ tướng Angela Merkel đưa ra những phản ứng dẫn tới thành công.
Khi bắt đầu nỗ lực tiêm chủng, Merkel quả quyết rằng EU nên tập trung mua sắm vaccine một cách thống nhất, thay vì để các quốc gia thành viên "mạnh ai nấy đi". Tuy nhiên, quá trình triển khai vaccine của EU đang gặp không ít khó khăn và bị chậm trễ.
Tháng trước, tờ Bild của Đức gây chú ý khi đăng dòng tiêu đề trên trang nhất "Nước Anh thân mến, chúng tôi ghen tỵ với các bạn!" nhằm truyền đi thông điệp rõ ràng về việc Đức đang gặp khó khăn như thế nào trong nỗ lực triển khai vaccine và thua xa Anh, vốn được ca ngợi là một điển hình thành công.
Sự so sánh này càng cay đắng hơn khi tuần qua, Thủ tướng Merkel đột ngột thay đổi quyết định, giờ đây cho phép tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca cho cả người trên 65 tuổi.
Quyết định giới hạn độ tuổi ban đầu do Ủy ban Tiêm chủng Đức (STIKO) công bố ngày 28/1 được đưa ra với lý do thiếu dữ liệu đầy đủ về các nhóm tuổi cao trong thử nghiệm lâm sàng.
Giới phê bình đánh giá điều này đã làm giảm niềm tin của công chúng Đức vào vaccine AstraZeneca, gây ra hiệu ứng domino trên khắp châu Âu. Một ngày sau quyết định của Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả vaccine AstraZeneca "gần như không hiệu quả" với người cao tuổi, nói rằng "các kết quả đầu tiên không thực sự gây khích lệ đối với những người trên 60-65 tuổi".
Tuyên bố trên đã gây ra không ít tranh cãi trong giới khoa học và dữ liệu thực tế toàn cầu từ đó đến nay cho thấy vaccine AstraZeneca có hiệu quả trong ngăn ngừa nhập viện ở người lớn tuổi.
Những nước như Pháp, Tây Ban Nha, Italy hay các quốc gia Bắc Âu đã nhanh chóng làm theo Đức, chỉ cho phép tiêm vaccine cho nhóm dân số trẻ tuổi hơn. Họ đều đang thay đổi quyết định.
Việc STIKO không cho tiêm vaccine AstraZeneca với nhóm dân số già "thực sự là một sai lầm" bởi nó dẫn đến tình trạng "mọi người dân Đức" đều mất niềm tin vào vaccine, tiến sĩ Uwe Janssens, lãnh đạo Hiệp hội Nghiên cứu Chuyên sâu Liên ngành Đức về Chăm sóc Đặc biệt và Cấp cứu (DIVI), nhận xét.
Janssens hiểu vì sao STIKO đưa ra kết luận đầu tiên, thêm rằng nếu thông điệp được đưa ra theo hướng khác, chính quyền vẫn sẽ nhận về chỉ trích. Hướng khác mà ông đề cập tới là một thông báo Đức "không có đủ vaccine ngay từ đầu do hệ quả từ việc mua sắm của EU, vì họ không mua đủ".
Tobias Kurth, giáo sư y tế công cộng và dịch tễ học, giám đốc Viện Y tế Công cộng trực thuộc Đại học Charité ở Berlin, mô tả quyết định ban đầu của cơ quan y tế Đức là một "thảm họa truyền thông".
Một ngày sau khi STIKO áp dụng giới hạn độ tuổi với vaccine AstraZeneca, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng vaccine này cho tất cả mọi người trên 18 tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có động thái tương tự vào ngày 8/2.
"Cuối cùng thì họ cũng sửa lại khuyến nghị của mình nhưng thảm họa đã xảy ra rồi", Kurth chia sẻ với CNN. "Mọi người nói họ không muốn tiêm vaccine AstraZeneca vì nó thực sự tệ" và không có cách nào để sửa chữa tình hình bởi "bạn không thể lôi nó ra khỏi suy nghĩ của người dân".
Đức đang lưu trữ khoảng 1,3 triệu liều vaccine AstraZeneca trong kho nhưng không sử dụng, một phần do thực tế là những người cao tuổi đến nay vẫn chưa được phép tiêm. Nhiều người Đức coi vaccine AstraZeneca là loại kém chất lượng vì tỷ lệ hiệu quả của nó kém hơn một chút so với các loại vaccine được cấp phép khác.
Ban điều hành một trung tâm tiêm chủng tại sân bay Brandenburg ở Berlin, nơi tiêm cả vaccine Pfizer-BioNTech và AstraZeneca, cho biết ban đầu, hầu như không ai muốn vaccine AstraZeneca, nhưng điều này đang thay đổi.
"Các con số cho thấy vaccine AstraZeneca đang được chấp nhận ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi có thể nhìn thấy điều đó qua số lượng đặt chỗ. Nó bắt đầu rất chậm nhưng tính tới tối qua, 80% các cuộc hẹn tiêm vaccine đã được thực hiện", Christian Wehry, phát ngôn viên Hiệp hội các Bác sĩ Bảo hiểm Brandenburg, cho hay.
"Tôi nghĩ người dân Đức đòi hỏi hơi cao. Nó khiến tôi hình dung đến cảnh những đứa trẻ chơi trên sân, phàn nàn về một chiếc kẹo, nghĩ rằng chúng xứng đáng có được một chiếc kẹo khác vì ai đấy nói rằng nó ngon hơn", bác sĩ Thomas Buchhammer nói với CNN sau khi tiêm mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca hôm 4/3.
Cùng ngày, STIKO đã phê duyệt vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi. Trong một thông báo, họ khẳng định khuyến nghị được đưa ra ngày 28/1 "hoàn toàn chính xác dựa trên dữ liệu tại thời điểm đó".
Chuyên gia y tế Karl Lauterbach, chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội Đức, cho rằng Berlin đã phạm sai lầm với quyết định đầu tiên về vaccine AstraZeneca nhưng ngay cả khi không áp dụng giới hạn độ tuổi, tốc độ tiêm chủng của Đức vẫn sẽ tụt hậu.
"Ngay cả khi vaccine AstraZeneca không bị từ chối, chúng ta vẫn không thể tiêm chủng cho nhiều người hơn bởi chúng ta thiếu vaccine", ông nhấn mạnh. "Về cơ bản, EC không đủ nghiêm ngặt, không đủ nhanh và không chi đủ mạnh để đảm bảo có đủ vaccine trong thời gian ngắn".
"Vì vậy, chúng ta đã mất nhiều thời gian và đang bị thiếu hụt tất cả các loại vaccine quan trọng", Lauterbach nói thêm.
Người ta đã nói nhiều về thất bại của EU trong nỗ lực triển khai tiêm chủng. Chủ tịch EC von der Leyen hồi đầu tháng hai thừa nhận rằng châu Âu đã chậm cấp phép vaccine và quá lạc quan vào khả năng sản xuất hàng loạt.
Tuy nhiên, các quyết định nội bộ của Đức cũng khiến họ phải chật vật khi đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, giới quan sát đánh giá.
Kết quả một cuộc thăm dò do kênh truyền hình quốc gia ARD thực hiện gần đây cho thấy 73% người dân Đức không hài lòng với cách chính phủ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Jens Spahn phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 5/3 cho biết Đức sẽ đẩy nhanh tốc độ "trong vài tuần nữa". Ông dự báo vào tháng 4 lượng vaccine tại các trung tâm tiêm chủng sẽ đủ đáp ứng, đồng thời thêm rằng giới chức sẽ thành lập các đội lưu động nhằm hỗ trợ nỗ lực tiêm chủng.
Dù vậy, tiến sĩ Lothar Wiele, lãnh đạo Viện Robert Koch (RKI), cảnh báo Đức vẫn "chứng kiến quá nhiều ca tử vong" và tỷ lệ nhiễm virus đang có xu hướng tăng trở lại.
Wieler cho hay biến chủng nCoV từ Anh đã được phát hiện trên 40% số ca nhiễm mới sau khi Thủ tướng Merkel mới đây cảnh báo Đức cần hành động "cẩn trọng và khôn ngoan" nhằm tránh bị phong tỏa vì sóng Covid-19 thứ ba.
Friederike Bettina Kolster, 59 tuổi, bệnh nhân mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), rất muốn được tiêm chủng nhưng đang tuyệt vọng vì không thể tiếp cận vaccine.
Luôn phải ngồi xe lăn, bà cần tới 15 người chăm sóc cho mình, khiến nguy cơ nhiễm virus càng tăng cao.
"Vì bản thân tôi đã làm người cần chăm sóc y tế nên tôi không thể tự bảo vệ mình", bà nói. "Tôi luôn tự cách ly tại nhà. Tôi không tiếp xúc với bên ngoài nhằm giảm thiểu rủi ro".
"Ai cũng nghĩ rằng tôi nên nằm trong nhóm người đầu tiên được tiêm chủng. Nhưng vì căn bệnh của tôi không nằm trong danh sách ưu tiên tiêm chủng và tôi chưa đủ 60 tuổi nên tôi được tính là một người khỏe mạnh bình thường dưới 60 tuổi", bà chia sẻ.
Kolster mô tả chương trình triển khai tiêm chủng của Đức là "cực kỳ gây khó chịu" và bà luôn sống trong nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh. "Tôi không quan tâm được tiêm loại vaccine nào. Tôi chỉ cần tiêm vaccine thôi".
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Đức đặt cược vào xét nghiệm nhanh Covid-19 |
Thủ tướng Đức thừa nhận sai lầm khi chống Covid-19 |