Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận để phục vụ người dân mang xe máy cũ nát đến các địa điểm này để nhận hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới.
Xe máy là một trong những “thủ phạm” của ô nhiễm môi trường Hà Nội với 5,7 triệu chiếc tham gia giao thông, trong đó có 2,5 triệu xe máy có tuổi đời trên 20 năm (đăng ký trước năm 2000) và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30 năm- 50 năm.
Đây không chỉ là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí của thành phố mà mối nguy tiềm tàng với người tham gia giao thông, nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Ngày 7/9, theo tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Hùng đã giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận và đơn vị liên quan thống nhất đề xuất chương trình "nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố"; báo cáo lãnh đạo thành phố trước ngày 15/9.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, chương trình thí điểm trên được Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất phối hợp thực hiện tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng dự kiến lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, phục vụ việc đo khí thải tại 6 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông. Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng mỗi trường hợp.
30 đại lý xe máy trên địa bàn thành phố sẽ thí điểm tham gia chương trình đổi môtô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước 2002); nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được VAMM hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng.
Như vậy, người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Những chiếc mô tô, xe máy cũ sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng.
Cho rằng, chủ phương tiện sử dụng xe máy cũ nát, xả thải ô nhiễm ra môi trường phải được tuyên truyền, thậm chí cơ quan có trách nhiệm cần phải ngăn chặn, do vậy các chuyên gia, tổ chức xã hội nêu ý kiến: nếu lấy ngân sách ra để hỗ trợ là không hợp lý. “Thành phố cần làm rõ nguồn kinh phí thực hiện chương trình, đặc biệt là khoản hỗ trợ từ 2 - 4 triệu/xe máy thay mới là lấy từ đâu”, ông Nguyễn Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị. Bởi để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe, VAMM cần khoản tiền là 5.000 tỉ đến 10.000 tỉ đồng.
Hạn chế xe cá nhân, trong đó hạn chế xe máy tại các trung tâm thành phố là việc cần làm. Điều này sẽ giải quyết được hai vấn đề: Một là môi trường, hai là nạn kẹt xe hiện nay.
Nhưng nó lại đặt ra bài toán khác về tổ chức giao thông như phát triển hệ thống xe buýt, minibus, buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng, một số phương tiện giao thông khác… Chỉ có thể cấm được xe máy nếu các loại hình vận tải công cộng sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đi lại của người dân.
PV (th)
Hiện tượng xe máy bị ì là do đâu? |
Ảnh: Phố Hà Nội thành sông, ô tô, xe máy bì bõm bơi lội sau trận mưa lớn kéo dài |
Tàu xe, máy bay tiếp tục bị tạm dừng đến Đà Nẵng |