Khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã lên tiếng kêu cứu, đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giảm mạnh lãi suất. Các ngân hàng cũng ở thế khó khi vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, vừa phải đảm bảo an toàn vốn.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các ngân hàng vẫn còn bị “che lấp” nhờ các quy định về giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ |
Doanh nghiệp đồng loạt “gõ cửa” ngân hàng
Tính từ đầu dịch (tháng 3-2020) đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng, theo đó cũng đã có nhiều đợt giảm lãi suất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đã xuống đến 4%. Tuy nhiên, chính sách vẫn không thể bao phủ hết tất cả doanh nghiệp (DN), cùng với đó, mức giảm lãi suất cũng chưa được như kỳ vọng. Do vậy, hàng loạt DN, Hiệp hội DN vẫn tiếp tục “kêu cứu”.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME), ông Mạc Quốc Anh cho biết, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay là đợt thứ tư, đã tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98,2% số doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 DN trên địa bàn thành phố trong tháng 6-2021, có tới 57,10% hoạt động cầm chừng; 38,97% đang hoạt động bình thường; 2,61% tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh.
Theo đó, Chủ tịch Hội DNNVV Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ nhiều đề xuất, trong đó, về tín dụng hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp như: Giảm từ 3-5% lãi suất cho vay; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh... Cùng với đó, mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải… Đồng thời, ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các doanh nghiệp giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển (tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines).
Cũng mong muốn được các ngân hàng hỗ trợ, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Trong đó, Sở GTVT kiến nghị thành phố đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động. UBND TP Hà Nội sau đó cũng đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham mưu văn bản của UBND TP Hà Nội kiến nghị NHNN xem xét, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng.
Tương tự, các doanh nghiệp bất động sản cũng không ngoại lệ. Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, hàng loạt doanh nghiệp vốn phụ thuộc lớn vào dòng tiền ngân hàng đã trở nên đuối sức. Trong các công văn mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhiều lần khẳng định những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản sau 4 lần thực hiện giãn cách xã hội, trong đó vấn đề thiếu dòng tiền được cho là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất, giống như cơ thể bị “thiếu oxy”. HoREA cho biết, dù NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho DN, tuy nhiên, hầu như các DN bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro. Do đó, hiệp hội đề nghị NHNN cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, bao gồm DN bất động sản; đồng thời xem xét cho khách hàng được vay vốn mới...
Về lãi suất, HoREA đề nghị NHNN khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.
Vì sao các ngân hàng chưa thể mạnh tay giảm lãi suất?
Trong suốt gần 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngân hàng là ngành hiếm hoi vẫn duy trì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tốt, thậm chí có xu hướng tốt hơn trước đó. Đây là lý do nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay chưa tương xứng, nhất là khi lãi suất huy động đã giảm rất mạnh từ đầu 2020 đến nay. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, con số lợi nhuận ngân hàng công bố chưa phản ánh thực chất sức khỏe các ngân hàng, bởi hiện nay các ngân hàng đang được hỗ trợ bởi các quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Bởi vậy, mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều phải tính toán, dự trù khi các quy định này hết hiệu lực.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan ngại, diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, dòng tiền cho vay các doanh nghiệp và cá nhân tiêu dùng sẽ khó trở lại với ngân hàng hơn, do đó ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của ngân hàng và cả nền kinh tế nói chung. “Các ngân hàng khi cho vay ra đều muốn dòng tiền sẽ quay trở lại ngân hàng để rồi xoay vòng trả lại cho người gửi tiền tạo thành một vòng tròn khép kín. Tuy nhiên, trong trường hợp người vay không thể trả nợ, vòng tròn đó bị đứt đoạn, ngân hàng khi đó sẽ đối mặt với rủi ro mất thanh khoản” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói. Đó là chưa kể, việc được phép cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 03 đã khiến lợi nhuận các ngân hàng “thấy vậy mà không phải vậy”. Theo đó, nhiều món nợ đáng lý phải chuyển thành nợ xấu hoặc nhóm nợ xấu hơn thì vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, nên tổng dư nợ xấu có thể thấp hơn nhiều so với nợ xấu thực tế, kéo theo dự phòng nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ thấp hơn so với việc phải trích lập đầy đủ.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng các ngân hàng sẽ khó giảm lãi suất lên tới 3-5% như đề xuất của các doanh nghiệp. Bởi con số lợi nhuận mà các ngân hàng đã công bố thực chất bao gồm cả các khoản giãn, hoãn nợ (nợ xấu) mà chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Nếu tính đầy đủ, thậm chí nhiều ngân hàng sẽ chuyển từ lãi sang lỗ. “Nói cách khác, đây là lợi nhuận dự tính thu được (lãi dự thu), không phải là tiền thật 100%. Khi hết các quy định về giãn, hoãn nợ, nợ xấu sẽ tăng đột biến trên nội bảng, dẫn đến trích lập dự phòng cũng phải tăng cao, lợi nhuận dự thu giảm mạnh...” - ông Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Theo ước tính của các chuyên gia, trong tổng số nợ đang được cơ cấu lại khoảng 357.000 tỷ đồng hiện tại, có tới khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, tức là có thể biến thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu. Phía NHNN cũng ước tính, năm nay, nợ xấu gộp (bao gồm nợ tiềm ẩn, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, nợ nội bảng) có thể lên tới 3,43-3,84%. Còn nếu tính cả nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01 và Thông tư 03 thì có thể lên tới 4,56 - 5%. Điều này có nghĩa, nếu tính toán một cách đầy đủ, nợ xấu cuối năm nay có thể lên tới nửa triệu tỷ đồng - cao hơn rất nhiều so với thống kê sổ sách của các ngân hàng hiện nay.
Trong báo cáo công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, các cấp có thẩm quyền Việt Nam cần theo dõi cẩn thận sự gia tăng của nợ xấu để đảm bảo sức khỏe cho khu vực tài chính và thúc đẩy áp dụng quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel II đối với mọi ngân hàng đang hoạt động. Theo đó, WB cho rằng một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ nợ xấu tiềm năng ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.
Chuyên gia: Cần mở cửa lại nền kinh tế để lo sinh kế cho dân, doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần mở cửa nền kinh tế vì lo sinh kế cho người dân và doanh nghiệp cũng rất ... |
Nguy cơ phá sản do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp cần làm gì?
Chuyên gia cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài sẽ gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, do đó cần tăng cường khả ... |