Để thị trường vàng không ""méo mó""

Thời gian qua, giá vàng trong nước diễn biến “một mình một chợ”, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, chênh lệch giá mua - bán cũng rất lớn. Tình trạng này khiến thị trường trở nên “méo mó”, người mua hứng chịu rủi ro, đồng thời gây nguy cơ gia tăng nạn buôn lậu vàng.

Thị trường vàng có nhiều biến động trong thời gian qua khiến người mua chịu nhiều rủi ro.

“Một mình một chợ”

Căng thẳng địa chính trị trên thế giới đã khiến thị trường vàng quốc tế biến động mạnh. Vì vậy, giá vàng trong nước biến động theo. Song, điều đáng nói là biến động của giá vàng trong nước nhiều thời điểm lại theo kiểu “một mình một chợ”.

Điển hình như ngày 7-3, giá vàng thế giới tăng cao nhất 30 USD/ounce, tương đương khoảng 840.000 đồng/lượng, lên 2.000 USD/ounce, nhưng giá vàng SJC tăng tới hơn 4 triệu đồng/lượng, lên mức 73,5 triệu đồng/lượng. Biên độ giá mua - bán vàng có nơi để tới mức gần 3 triệu đồng/lượng. Đến sáng 8-3, dù giá vàng thế giới đảo chiều giảm gần 10 USD/ounce, nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng tiếp 900.000 đồng/lượng, lên mức kỷ lục 74,5 triệu đồng/lượng. Đến cuối ngày, giá vàng giảm mạnh khiến những ai mua vàng ở mức đỉnh 74,5 triệu đồng/lượng bị lỗ hơn 4 triệu đồng/lượng (tính cả chênh lệch giá mua và bán ở mức rộng). Trên thực tế, trong những ngày qua, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng (khoảng 32%).

Tuần qua, chênh lệch giữa giá vàng mua vào và bán ra thu hẹp ở mức dưới 1 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao, khoảng 15 triệu đồng/lượng. Thực tế, từ nhiều năm trước, giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch, song mức chênh lệch chỉ phổ biến dưới 10%. Gần một năm trở lại đây, giá vàng trong nước thường cao hơn giá thế giới 10-15%, và mức chênh lệch lớn như đầu tháng 3 vừa qua là lần đầu tiên.

Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Huỳnh Trung Khánh cho biết là do thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới và nguồn cung khan hiếm. Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia. Còn các loại vàng nhẫn, vàng trang sức do các doanh nghiệp tự sản xuất. Nhiều năm qua, Việt Nam không nhập khẩu vàng dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Số lượng vàng SJC lưu thông không được bổ sung dẫn đến tình trạng giá vàng lên cao mỗi khi người mua nhiều hơn người bán. Theo ông Huỳnh Trung Khánh, ở những thời điểm thị trường biến động, doanh nghiệp kéo giãn biên độ chênh lệch giá mua - bán để phòng ngừa rủi ro.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, giá vàng do thị trường ấn định, nhưng thị trường vàng thời gian qua do doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn “nắm đằng chuôi”. Khi có lực mua nhiều, họ tăng giá bán lên cao; ngược lại, khi có nhiều người bán ra, giá vàng lập tức quay đầu giảm. Chênh lệch mua - bán do doanh nghiệp kinh doanh vàng tạo nên. Doanh nghiệp bán ra đắt vì biết nhu cầu đang tăng, nhưng khi mua vào thì mua rẻ vì biết thị trường rất rủi ro. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có những thỏa thuận ngầm với nhau để đẩy chênh lệch giá mua bán lên cao theo ý muốn và chỉ mua vào ở một mức giá thấp nhất định để hưởng lợi.

Cần sự can thiệp?

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, diễn biến trên thị trường vàng làm tăng nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và thất thu thuế. Trong khi đó, người tiêu dùng và nhà đầu tư phải mua với giá rất cao, hứng chịu nhiều rủi ro. Không thể phủ nhận Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế, song quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng ít nhiều đã không còn phù hợp.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, những năm qua, VGTA đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp can thiệp để đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Còn chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để giải quyết tình trạng giá vàng chênh lệch quá lớn hiện nay, trước mắt Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho nhập khẩu vàng. Việc nhập khẩu vàng cần sử dụng đến lượng ngoại tệ nhất định, nhưng là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước đi sát giá vàng thế giới và khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn. Đồng thời, cần sớm thành lập sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông giữa giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Chỉ khi thị trường liên thông với thế giới thì giá mới có thể là điểm quân bình của cung - cầu và thị trường vàng mới phát triển ổn định.

Về phía cơ quan quản lý, theo Ngân hàng Nhà nước, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đi vào cuộc sống đã đem lại lợi ích cho nền kinh tế ở cả góc độ vi mô và vĩ mô. Vì vậy, giá vàng biến động không làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến trên thị trường để có những chính sách điều hành khi cần thiết.

HƯƠNG THỦY

Giá khí đốt ở thị trường châu Âu phá kỷ lục, lên gần 2.400 USD Giá khí đốt ở thị trường châu Âu phá kỷ lục, lên gần 2.400 USD
Đắt hàng mùa dịch, giá cam quýt "nhảy múa" Đắt hàng mùa dịch, giá cam quýt "nhảy múa"
Vì sao mẫu xe máy điện mới ra mắt của VinFast được "săn lùng" trên thị trường? Vì sao mẫu xe máy điện mới ra mắt của VinFast được "săn lùng" trên thị trường?
/ hanoimoi.com.vn