Như ngành Y tế, tội phạm lợi dụng dịch bệnh để vi phạm trong hoạt động đấu thầu, mua bán vật tư, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim, Bệnh viện Bạch Mai... gây xâm hại lợi ích quốc gia, ảnh hưởng sự công bằng xã hội ở những chỗ không đáng có, không nên có. Nhìn vào đó chúng ta thấy đau lòng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim bày tỏ.
Chiều 6/9, Ủy ban Tư pháp (UBTP) tiếp tục Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra các báo cáo công tác năm 2021 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy viên UBTP Vũ Trọng Kim cho rằng, tội phạm về trật tự xã hội diễn biến khá phức tạp, có những đối tượng chống đối rất quyết liệt. Cùng với đó, thời gian qua có những hình ảnh rất xúc động, nhiều đồng chí đã hy sinh trong khi thi hành công vụ, ví dụ 147 đồng chí Công an bị thương, 6 đồng chí hy sinh. Điều đó chứng tỏ tình hình phức tạp của tội phạm. Ông cũng băn khoăn, tội phạm về trật tự xã hội giảm 3,05% nhưng tình trạng chung của xã hội có bớt căng thẳng khi nhìn vào con số hơn 337.000 vụ việc phạm pháp hình sự.
Về tội phạm tham nhũng, đại biểu khẳng định chúng ta có chủ trương, biện pháp quyết liệt, đã làm mạnh thời gian qua và được người dân đồng tình, ủng hộ với phương châm "không ngừng nghỉ", "không có vùng cấm", các cơ quan thực hiện yêu cầu của Trung ương Đảng và Chính phủ rất tốt. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra phức tạp, từ lĩnh vực kinh tế, đất đai... đã lan sang những lĩnh vực không nên có trong xã hội.
"Như ngành Y tế, tội phạm lợi dụng dịch bệnh để vi phạm trong hoạt động đấu thầu, mua bán vật tư, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim, Bệnh viện Bạch Mai... gây xâm hại lợi ích quốc gia, ảnh hưởng sự công bằng xã hội ở những chỗ không đáng có, không nên có. Nhìn vào đó chúng ta thấy đau lòng. Gần đây là sách giáo khoa lậu, cán bộ Quản lý thị trường TP Hà Nội bị bắt giữ...", ông lấy ví dụ.
Góp ý vào Báo cáo phòng, chống tội phạm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, làm đậm nét hơn các giải pháp nâng cao nhận thức của người dân để tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn của tội phạm, bởi có những thủ đoạn phạm tội ngoài dự đoán của chúng ta, chỉ khi xảy ra rồi mới biết. Đồng thời, nên có một đường dây nóng với số điện thoại dễ nhớ, nơi người dân khi nhận được thông tin đáng ngờ có thể gọi và được giải thích, cảnh báo một cách nhanh nhất...
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, Báo cáo PCTN của Chính phủ đã làm rõ việc phát huy vai trò trách nhiệm của xã hội trong PCTN nhưng chưa thống kê hiện tượng không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm đáng kể của người có chức vụ quyền hạn. Do vậy, cần nghiên cứu, tiếp tục luật hóa Điều 20 của Công ước Liên Hợp Quốc về PCTN, theo hướng đặt ra tội danh "Làm giàu bất hợp pháp" đối với hành vi nói trên.
Cho rằng, báo cáo chưa đánh giá về hiện tượng xung đột lợi ích - một trong những nguyên nhân chính gây nên hành vi tham nhũng khi một cán bộ công chức có thẩm quyền đưa ra quyết định ảnh hưởng tới quyền lợi của chính họ, ông cũng đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được, nguyên nhân rủi ro (do hệ thống tổ chức, cách thức thực hiện, hay các tác động của dịch COVID-19) trong thực hiện công tác PCTN...
Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, năm 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới toàn bộ đời sống xã hội; là nguy cơ, thách thức chưa từng có đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương mà nòng cốt là Bộ Công an tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật; tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Công tác phòng ngừa tội phạm tiếp tục quan tâm, đổi mới, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật...
"Phải khẳng định rằng, trong 10 tháng qua chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tiếp tục duy trì "mục tiêu kép", phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Riêng lực lượng Công an tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, thực hiện thành công hai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân...", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến thẩm tra của UBTP và các ý kiến đánh giá của các đại biểu tham dự phiên họp; đồng thời sẽ giải trình đầy đủ, hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sắp tới.
Quỳnh Vinh
Vừa bị cảnh cáo, Chánh Thanh tra được giao chống tham nhũng: Hà Nội cần xem lại |
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Muốn đánh tận gốc tham nhũng phải bắt đầu từ chống tiêu cực |