Cuộc đua với biến chủng nCoV

Khi những biến chủng nCoV ở Anh, Nam Phi, Brazil vừa xuất hiện, các hãng dược tin vaccine của họ vẫn hiệu quả, nhưng thực tế không như dự đoán.

Tất cả virus đều đột biến trong quá trình lây lan. Do đó, giới khoa học từng bày tỏ lạc quan rằng nCoV sẽ không biến đổi quá đáng kể, và các loại vaccine đang trong quá trình phát triển đủ khả năng chống lại chủng virus này, đưa thế giới trở về cuộc sống bình thường.

Trước khi những biến chủng nCoV mới tại Anh, Nam Phi và Brazil được xác định, các vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna đã được cấp phép tại Mỹ hồi tháng 12/2020 nhờ hiệu quả lên tới 95%. Những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy chúng ít nhất có thể giúp chống lại các chủng nCoV mới ở mức độ nào đó.

Tuy nhiên, các vaccine này chưa được thử nghiệm trên những người tiếp xúc với các chủng virus mới. Bên cạnh đó, theo những nghiên cứu tại Nam Phi được tiến hành sau khi biến chủng nCoV được xác định ở quốc gia này, vaccine của Johnson & Johnson và Novavax ghi nhận mức độ hiệu quả thấp hơn so với thử nghiệm ở các khu vực khác. Tại Mỹ, vaccine của Johnson & Johnson đạt hiệu quả 72%, trong khi tỷ lệ này ở Nam Phi là 57%.

4124 5

Một nhà khoa học của Johnson & Johnson làm việc tại phòng thí nghiệm Janssen ở thành phố Leiden, Hà Lan, hồi tháng 9/2020. Ảnh: AP.

Vì vậy, công tác nghiên cứu vaccine được cho là đã bước sang giai đoạn mới, trở thành cuộc chạy đua nhằm tạo ra những loại vaccine khác có khả năng bảo vệ tốt hơn trước các biến chủng nCoV nguy hiểm.

Các hãng dược phẩm và chuyên gia bệnh truyền nhiễm cũng cho rằng mặc dù những vaccine hiện nay vẫn hiệu quả, nhiệm vụ quan trọng giờ đây là cần bắt đầu phát triển những vaccine tiềm năng thế hệ tiếp theo, để chuẩn bị cho các biến chủng thậm chí nguy hiểm hơn, có thể kháng lại vaccine hiện tại.

Trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuần trước ở Davos, Thụy Sĩ, giám đốc điều hành hãng dược phẩm Mỹ Pfizer Albert Bourla cho biết "khả năng cao" sẽ xuất hiện một biến chủng nCoV khiến các vaccine Covid-19 hiện nay không còn hiệu quả.

"Khả năng vô cùng cao là điều đó sẽ trở thành hiện thực", Bourla phát biểu, nói thêm rằng tình hình hiện nay chưa nghiêm trọng tới mức đó.

Các vaccine mới sẽ đóng vai trò là mũi nhắc lại sau khi người dân tiêm một trong những loại vaccine thế hệ đầu tiên, hoặc các công ty có thể phát triển những vaccine giúp chống lại cả chủng virus thông thường lẫn một hoặc nhiều biến chủng mới.

Việc này sẽ tương tự những điều chỉnh nhỏ mà các hãng dược phẩm thực hiện mỗi năm để đối phó với cúm mùa, nhắm vào một chủng cúm cụ thể. Những thành phần cơ bản của các loại vaccine đều giống nhau. Sự thay đổi phụ thuộc vào việc chủng virus nào được dự đoán sẽ chiếm ưu thế. Vì vậy, vaccine cúm không phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn mỗi năm.

Tương tự vaccine cúm, nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 có thể tạo ra thị trường rộng lớn cho các hãng dược phẩm sau khi giai đoạn khẩn cấp của đại dịch trôi qua, nếu các vaccine phải được điều chỉnh thường xuyên.

Pfizer dự đoán doanh thu từ vaccine Covid-19 sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm nay. Bourla cho biết doanh thu này có thể được duy trì lâu dài, bởi mọi người nhiều khả năng sẽ cần những mũi tiêm nhắc lại, để phòng tránh nCoV hoặc chống lại các biến chủng mới.

Hôm 2/2, Pfizer cho hay họ sẽ nghiên cứu xem liệu việc tiêm nhắc lại có thể cung cấp thêm khả năng bảo vệ hay không, đồng thời cho biết họ đang điều chỉnh vaccine Covid-19 nhằm giúp đảm bảo chống lại các biến chủng nCoV được phát hiện tại Brazil và Nam Phi.

Hãng dược phẩm Mỹ này chưa quyết định liệu họ có tiến hành thử nghiệm vaccine mới trên người hay không, nhưng đặt mục tiêu hoàn thành nghiên cứu trong 100 ngày. "Chúng tôi không muốn phát triển thêm vaccine nếu không cần thiết. Nhưng nếu cần, chúng tôi muốn phát triển nó với tốc độ ánh sáng", Bourla trả lời phỏng vấn hôm 2/2.

Moderna, Johnson & Johnson và Novavax cũng đang phát triển những vaccine nhắm vào các biến chủng nCoV mới, đặc biệt là biến chủng ở Nam Phi, bởi chủng này vừa dễ lây lan hơn, vừa có dấu hiệu chống lại được những vaccine đầu tiên và một số phương pháp điều trị. Chủ tịch Moderna Stephen Hoge cho biết công ty sẽ theo dõi các biến chủng và phát triển mũi vaccine nhắc lại đặc hiệu cho từng chủng nếu cần thiết.

Hôm 3/2, hãng dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) cho biết họ đang hợp tác với công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức, trong một thỏa thuận trị giá tới 150 triệu euro (181 triệu USD), nhằm phát triển những vaccine Covid-19 có thể chống lại các biến chủng mới.

"Tình trạng gia tăng các biến chủng mới, với nguy cơ làm giảm mức độ hiệu quả của thế hệ vaccine Covid-19 đầu tiên, đòi hỏi phải tăng tốc nỗ lực phát triển những vaccine chống lại chúng, nhằm đón đầu đại dịch", GSK và CureVac cho hay, thêm rằng một trong những vaccine họ đang nghiên cứu có thể sẵn sàng được đưa vào sử dụng năm 2022.

Trong khi đó, hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca và Đại học Oxford cho biết kế hoạch của họ là phát triển phiên bản vaccine mới nhắm vào các biến chủng, có thể được ra mắt vào mùa thu.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng nỗ lực "chạy đua" với biến chủng mới bằng cách cho phép thu hẹp quy mô thử nghiệm lâm sàng, nhằm tăng tốc đánh giá và cấp phép cho những vaccine Covid-19 đã được điều chỉnh, Peter Marks, giám đốc trung tâm sinh học của FDA, tuần trước cho biết.

"Tất cả cho thấy chúng ta giờ đây phải chạy đua giữa việc tiêm chủng đủ số lượng người cần thiết và đối phó với các biến chủng virus", tiến sĩ C. Buddy Creech, giám đốc trung tâm nghiên cứu vaccine của Đại học Vanderbilt, Mỹ, cho hay.

Ánh Ngọc (Theo WSJ)

Nga vượt Trung Quốc trong cuộc đua vaccine Covid-19 Nga vượt Trung Quốc trong cuộc đua vaccine Covid-19
Cuộc đua vaccine Covid-19 trên thế giới Cuộc đua vaccine Covid-19 trên thế giới
/ vnexpress.net