Có nên tổ chức cho thí sinh F0 được thi riêng?

Năm 2021, nếu là F0 vào ngày thi thì thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng nhanh như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tổ chức thi thành nhiều đợt, nên tổ chức thi riêng cho thí sinh F0 có đủ sức khoẻ và có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học.

Chỉ còn ít tháng nữa là học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tại thời điểm này, ngoài nỗi lo ôn thi, bồi đắp, củng cố kiến thức sau thời gian dài học online thì nhiều học sinh còn có thêm nỗi lo “bỗng dưng trở thành F0 vào đúng ngày thi”.

Em Nguyễn Lê Hoàng Mi, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ: “Nguyện vọng lớn nhất của em là thi vào ĐH Ngoại thương. Chọn xét tuyển khối D nên em tập trung ôn 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Tuy vậy, điều em và nhiều bạn băn khoăn, lo lắng là nếu bị nhiễm COVID-19 vào đúng thời điểm thi thì em sẽ mất cơ hội xét tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vì nếu áp theo quy chế năm 2021 của Bộ GD&ĐT, thí sinh bị nhiễm COVID-19 sẽ được đặc cách tốt nghiệp.

“Năm nay dịch bệnh phức tạp nên số học sinh là F0 sẽ tăng mạnh, do đó, chúng em mong Bộ GD&ĐT sớm công bố quy chế thi tốt nghiệp. Quy chế thi cũng nên tạo điều kiện cho học sinh F0 được thi riêng để chúng em có căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học mà mình yêu thích” - Hoàng Mi chia sẻ.

f20baa7a-7be1-4006-aee3-f665f1ba86ad.jpeg -0

Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra vào tháng 7. Ảnh minh họa.

Nhiều giáo viên THPT cũng cho rằng, năm nay dự kiến số lượng thí sinh là F0 sẽ tăng mạnh nên Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, xem xét tạo điều kiện cho các học sinh F0 có nguyện vọng xét tuyển đại học được tham gia thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo quyền lợi cho các em. Trong đó, thí sinh F0 có thể được bố trí phòng thi riêng để thi cùng một đợt với các thí sinh còn lại hoặc tổ chức thi đợt 2 cho các thí sinh là F0, F1.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) nêu quan điểm: Để bảo đảm công bằng, quyền lợi cho học sinh, Bộ GD&ĐT nên xem xét, cân nhắc việc tổ chức một đợt thi chung theo hướng bình thường mới, tránh việc chia cắt thành nhiều đợt và không xuất hiện việc thí sinh không được tham gia thi. Đối với thí sinh bị F0 không có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT được xét đặc cách theo Quy chế thi hiện hành.

Các em vẫn có thể xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo các phương thức khác như xét học bạ, dùng chứng chỉ quốc tế, kỳ thi đánh giá năng lực. Riêng đối với những học sinh F0 có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT thì bố trí một phòng thi riêng (cán bộ coi thi, phục vụ và học sinh phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế) để các em được dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo kết quả (tổ hợp điểm 3 môn) của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo số liệu thống kê của nhiều tỉnh, thành, hiện nay số lượng học sinh bị nhiễm F0 đang tăng mạnh. Đơn cử như tại Nghệ An, Hà Nội, trước làn sóng bùng phát mạnh mẽ của COVID-19 từ đầu năm đến nay, các địa phương này đã có hàng nghìn học sinh là F0. Trong khi đó, việc đặc cách hay tổ chức thi đợt sau đối với thí sinh F0 hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT.

Còn theo quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đến ngày thi, những thí sinh được xác định là F0 đang cách ly để điều trị sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Và nếu muốn xét tuyển đại học, các em sẽ phải sử dụng các phương thức xét tuyển khác như điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, tham gia các kỳ thi riêng do trường đại học tổ chức.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường đại học nào cũng xét tuyển học bạ và không phải học sinh nào cũng có chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc, cánh cửa vào các ngành học, trường học mà các em yêu thích bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng bị khép lại.

Theo đề xuất của lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, Bộ GD&ĐT nên có thông báo sớm để các địa phương lên phương án phối hợp với các ngành khác, đồng thời dự trù kinh phí nếu tổ chức phòng thi/hoặc đợt thi riêng.

Chẳng hạn như năm 2021, Nghệ An có một số phòng thi cho F1, kinh phí khoảng 7-8 triệu đồng cho các phòng thi và chi phí thuê xe riêng đưa từ nhà đến phòng thi riêng này. Như vậy mỗi điểm thi sẽ thêm khoảng 10-15 triệu đồng, đỡ tốn kém hơn so với việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tổ chức đợt thi riêng. Tuy nhiên, phương án này lại đang vướng bởi quy định F0 không được ra khỏi nhà của cơ quan y tế.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đồng tình với phương án bố trí phòng thi riêng cho học sinh F0 đủ sức khoẻ và có nguyện vọng sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT xét tuyển đại học. Tuy vậy, để làm được điều này, Bộ GD&ĐT phải làm việc với Bộ Y tế, từ đó có cơ chế tạo điều kiện để các thí sinh F0 được đến điểm thi đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Trong trường hợp nếu học sinh F0 không được thi chung bằng phòng thi riêng thì cũng nên tổ chức kỳ thi thành 2 đợt để các em được đảm bảo quyền lợi. Và dù lựa chọn phương án nào thì Bộ GD&ĐT cũng nên công bố sớm để học sinh, phụ huynh yên tâm.

Huyền Thanh

Tuyển sinh khối ngành quân đội: Thí sinh cần lưu ý gì để tránh trượt oan? Tuyển sinh khối ngành quân đội: Thí sinh cần lưu ý gì để tránh trượt oan?
20 phương thức xét tuyển đại học: Bất lợi cho thí sinh? 20 phương thức xét tuyển đại học: Bất lợi cho thí sinh?
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022: Thí sinh đạt danh hiệu không được từ chối thi quốc tế Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022: Thí sinh đạt danh hiệu không được từ chối thi quốc tế
/ cand.com.vn