“Không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là xăm trổ, ba trợn ba trạo, công cụ lao động là dao kiếm, thủ đoạn là vũ lực”. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Mai Bộ về một loại hình dịch vụ đang gây bức xúc hiện nay: đòi nợ thuê .
Ý kiến này tuyệt đối đúng đối với các doanh nghiệp đòi nợ thuê dùng thủ đoạn là vũ lực, đao kiếm và đòi nợ theo phương thức xã hội đen. Điển hình là doanh nghiệp của đối tượng Đường "Nhuệ" ở Thái Bình dùng vũ lực khi đòi nợ thuê cần phải nghiêm trị trước pháp luật.
Tuy nhiên cũng cần xét đến một vấn đề, nếu các doanh nghiệp này thực hiện việc dịch vụ thu hồi nợ bằng hình thức văn minh, theo đúng các quy định pháp luật thì có nên bỏ?
Bởi có một thực tế là tình trạng vay nợ và “bùng nợ” hiện nay là khá phổ biến. Thậm chí, ngay cả câu chuyện nhiều người kêu cứu việc bị các đối tượng khủng bố, bôi nhọ để đòi nợ sau khi đã vay tiền qua các app online mà báo Lao Động phản ánh thì vẫn có một câu chuyện khác: các con nợ cố tình chây ỳ, bùng nợ.
Tại một số diễn đàn, còn có việc “tư vấn cho nhau quỵt nợ”. Chẳng hạn, tại fanpage Hội vay tiền Online nhanh trên facebook có hẳn một bài viết tư vấn với nhan đề: “Tôi đã vay 200 triệu và bùng nợ 50 app như thế nào?”. Thành viên này kể rằng đã vay tiền tới 50 app online và khoản tiền hàng trăm triệu và tìm cách quỵt nợ, không trả tiền.
Đối với hoạt động vay tiền qua app online thì “vay xong tiền rồi bùng nợ” liệu có đúng luật?
Trong một số trường hợp khác, chủ nợ là ngân hàng hay chỉ là một người dân bình thường thì khi con nợ cố tình không trả thì sẽ xử lý thế nào?
Về nguyên tắc, có vay là phải có trả. Khi người vay không muốn trả mà chuyện thuê người đi đòi lại bị cấm sẽ tạo ra những hệ luỵ xã hội hội khác.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam chúng ta đã quy định rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình và đây cũng là các thiết chế xử lý các tranh chấp. Đó là mặt lý thuyết. Còn trên thực tế không phải lúc nào chủ nợ cũng có thể dùng đến pháp luật để đòi quyền lợi cho chính mình. Lý do có thể là số tiền cũng không đủ lớn, ngoài ra tâm lý nói chung là muốn xử lý gọn, không phải lôi nhau ra cơ quan công an, toà án. Ngoài ra, chủ nợ cũng không phải lúc nào cũng có điều kiện, thời gian trực tiếp đi đòi.
Trong trường hợp này, một bên thứ ba, tức là doanh nghiệp có chức năng thu hồi nợ thuê sẽ là cần thiết.
Vấn đề ở đây, có lẽ là, không nên bước tiếp con đường “không quản được thì cấm” mà nên hướng đến các thiết chế lành mạnh, văn minh theo đúng pháp luật của loại hình hoạt động đòi nợ, hay hướng đến tên gọi khác là “dịch vụ thu hồi tài chính”. Theo đó những hành vi như khủng bố (bằng điện thoại, tin nhắn), xúc phạm danh dự người khác hoặc dùng dao búa, vũ lực theo kiểu xã hội đen để đòi nợ phải bị nghiêm trị để hoạt động đòi nợ đi đúng với luật pháp, để người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ, còn chủ nợ có được quyền lợi chính đáng của mình.
Chứ không phải ra một quyết định để những ai đang có ý định quỵt nợ thì vỗ tay, còn ai đang là chủ nợ thì phải… khóc ròng.
Ngoài bảo kê, băng nhóm Loan “Cá” còn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê |
Kiểm sát viên làm lãnh đạo công ty đòi nợ thuê |
Dịch vụ đòi nợ thuê: Có nên cấm triệt để? |