Dịch vụ đòi nợ thuê: Có nên cấm triệt để?

Trong khi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo hướng quản lý chặt chẽ hơn thì mới đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư lại bất ngờ bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh

Phức tạp nên… cấm

Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" từ ngành nghề kinh doanh có điều kiện sang ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này; hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Trên thực tế, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội khi các doanh nghiệp sử dụng các phương thức đòi nợ trái pháp luật như: giam giữ người trái pháp luật, đe dọa, “khủng bố” tinh thần để đạt được mục đích đòi được nợ.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Theo lý giải của đơn vị này, thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật, như Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án...

Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại... là cơ quan có thẩm quyền thi hành.

Mặt khác, việc cho phép loại hình kinh doanh này hoạt động hợp pháp vô tình là kẽ hở để một số đối tượng như hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen... lợi dụng núp bóng đầu tư hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng ổ nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

Cấm hay quản?

Dù hoạt động đòi nợ thuê đang gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội nhưng theo một số chuyên gia thì cấm chưa hẳn là giải pháp khả thi. Giám đốc một công ty tài chính tiêu dùng chia sẻ, đòi nợ thuê là một nhu cầu thực tế. Ngay cả các ngân hàng, các công ty tài chính là những đơn vị cho vay tiền chuyên nghiệp thì ngoài việc thành lập các công ty hoặc bộ phận thu hồi nợ cũng cần đến bên thứ ba để thu hồi nợ.

dich vu doi no thue co nen cam triet de

Dịch vụ đòi nợ thuê phát sinh nhiều yếu tố phức tạp, nhưng không dễ cấm

Vì vậy, theo vị chuyên gia này, vấn đề không phải là thuê hay không thuê, mà là phải kiểm soát được hoạt động đòi nợ thuê. “Ví dụ tôi thuê anh đòi nợ, thì tôi đặt niềm tin nơi anh, anh được cấp phép, anh phải làm chuẩn. Nếu anh không làm chuẩn thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vấn đề là phải quản lý, điều chỉnh hành vi đó như thế nào” – lãnh đạo một công ty tài chính nêu quan điểm.

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, không phủ nhận dịch vụ đòi nợ thuê đang phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực nhưng ngành nghề kinh doanh nào cũng có những mặt trái. “Ví dụ như karaoke, mát xa, vũ trường… cũng có mại dâm trá hình, hay sử dụng ma túy trong đó. Hay cầm đồ, chưa kể đến nguồn tài sản có thể phạm pháp mà ngay cả vấn đề lãi suất cũng đều vi phạm. Vì vậy nếu nói phức tạp mà cấm thì rất nhiều ngành nghề tới đây cũng phải cấm. Cái quan trọng là cái gì cuộc sống cần thì phải để nó phát triển” – luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Theo vị luật sư, vấn đề mấu chốt là cơ quan quản lý phải “để mắt” đến hoạt động này, phải phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm để răn đe. Việc cấm hoạt động đòi nợ thuê, trước tiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của chủ nợ, khi họ cảm thấy không được bảo vệ. Bởi vì không phải cứ vụ việc nào cũng đưa ra tòa được, ngay cả các ngân hàng khi khởi kiện con nợ ra tòa có khi cũng mất tới 3-4 năm chưa chắc đã giải quyết được, rồi còn án phí, phí thi hành án…

Vì vậy, theo ông, để quản lý, không cần nhiều quy định, chỉ cần sửa đổi quy định chặt chẽ hơn, đồng thời các trường hợp phát sinh, có nguy cơ, hay thậm chí là sai phạm như vậy thì kiện ra tòa, áp dụng mức chế tài thật nặng để đảm bảo tính răn đe. Quan trọng là quản lý hành vi, chứ không thể áp dụng tư duy “không quản được thì cấm”.

Trước đó, năm ngoái, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 104 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo hướng quản lý chặt loại hình dịch vụ này. Trong đó, một số điều kiện được đặt ra với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê như: vốn điều lệ tối thiểu phải 2 tỉ đồng; người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp phải trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Các nhân viên thu nợ cũng phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên; không thuộc các trường hợp đã bị khởi tố hình; từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; cải tạo không giam giữ; quản chế, cấm cư trú...

Người đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này khi làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ, hoặc với các tổ chức, cá nhân liên quan…

dich vu doi no thue co nen cam triet de Dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị cấm kinh doanh

'Kinh doanh dịch vụ đòi nợ' nằm trong 12 ngành nghề được đề xuất đưa vào danh mục cấm theo dự thảo Luật Đầu tư ...

dich vu doi no thue co nen cam triet de 99% công ty đòi nợ thuê hoạt động biến tướng

Công an TP HCM xác định 99% công ty đòi nợ thuê cấu kết băng nhóm xã hội đen, cho người xăm trổ, đầu trọc, ...

/ anninhthudo.vn