Chuyến thị sát Quảng Đông đầy tham vọng của ông Tập

"Cải cách và mở cửa" và tham vọng Vùng Vịnh Lớn là chủ đề trọng tâm trong chuyến thị sát tỉnh Quảng Đông của ông Tập Cận Bình tuần này.

Chuyến thăm Quảng Đông từ ngày 12/10 là chuyến thị sát nội địa lần thứ 12 của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay và là lần thứ ba ông tới thăm tỉnh phía nam Trung Quốc, sau hai lần vào năm 2012 và 2018. Giống hai chuyến thăm Quảng Đông trước đây, "cải cách và mở cửa" tiếp tục là thông điệp chính của ông Tập trong chuyến thị sát này.

Trong ngày đầu tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm nhiều địa danh văn hóa, lịch sử ở thành phố Triều Châu, để kiểm tra công tác trùng tu và bảo vệ di tích, di sản văn hóa phi vật thể, cũng như việc phát triển nguồn tài nguyên du lịch.

Ông Tập nhấn mạnh việc bảo vệ và phát triển tốt hơn thành phố cổ Triều Châu đóng vai trò quan trọng đối với nền văn hóa Trung Quốc. "Chúng ta yêu thành phố này, chúng ta phải bảo vệ và xây dựng nó thật tốt", ông nói.

Chủ tịch Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh việc bảo vệ và khai thác di sản văn hóa phải phục vụ quá trình phát triển đất nước.

3953 tap can binh tham quang dong 2267 1602675353

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước người dân thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông hôm 13/10. Ảnh: Xinhua.

Bên cạnh phát triển du lịch, lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi ngành công nghệ Trung Quốc trở nên tự lực hơn, để sẵn sàng đối mặt thách thức và đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

"Chúng ta đang ở đỉnh điểm của những thay đổi chưa từng có trong thế kỷ này. Chúng ta phải đi theo hướng tự lực, có nghĩa là phải trở nên độc lập trong nỗ lực đổi mới của mình", Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm một nhà sản xuất linh kiện điện tử ở thành phố Triều Châu hôm 12/10.

Quyết định tới thị sát Triều Châu, thành phố nằm trên "cánh phía đông mở rộng của Vùng Vịnh Lớn", cho thấy ông Tập muốn mở rộng các cơ hội phát triển khu vực này, theo Xie Maosong, nhà khoa học chính trị tại Viện Hàn lâm khoa học thuộc Đại học Trung Quốc.

"Thông điệp rất rõ ràng... Ông Tập muốn nhìn thấy Kế hoạch Vùng Vịnh Lớn có thể giúp khu vực Sán Đầu - Triều Châu ở cánh đông và Trạm Giang ở cánh tây phát triển như thế nào vì đây là những vùng nghèo nhất thuộc tỉnh phát triển nhất của Trung Quốc", Xie nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành ngày thứ hai trong chuyến thăm tỉnh Quảng Đông để thị sát Lực lượng Thủy quân Lục chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại thành phố Triều Châu.

Tại đây, ông Tập kêu gọi Thủy quân Lục chiến PLA nên tập trung vào mục tiêu trở thành lực lượng chiến đấu "đa nhiệm, phản ứng nhanh với mọi điều kiện thời tiết và địa hình". Ông cũng cho rằng Thủy quân Lục chiến nên tập trung sẵn sàng chiến đấu và khả năng chiến đấu, đồng thời duy trì mức độ sẵn sàng cao.

"Thủy quân Lục chiến có rất nhiều nhiệm vụ và yêu cầu đối với các bạn cũng khác nhau. Do đó, các bạn nên huấn luyện dựa trên nhu cầu tham chiến và nâng cao tiêu chuẩn đào tạo cùng khả năng chiến đấu", Chủ tịch Tập nói tại căn cứ quân sự ở Triều Châu hôm 13/10.

Theo ông Tập, Thủy quân Lục chiến PLA là lực lượng tinh nhuệ cho các hoạt động đổ bộ, đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích trên biển và lợi ích ở nước ngoài.

Chuyến thăm của ông Tập cho thấy Thủy quân Lục chiến PLA không còn là một nhánh thông thường của quân đội Trung Quốc, mà đã trở thành lực lượng chiến đấu tinh nhuệ không thể thay thế để bảo vệ lợi ích hàng hải của quốc gia này, theo Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh.

Giới phân tích quân sự Trung Quốc cũng nhận định chuyến thị sát của ông Tập phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tăng tốc chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xung đột quân sự tiềm tàng nào ở vùng biển và hải đảo thuộc các khu vực như Eo biển Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như các khu vực lợi ích đáng kể ở nước ngoài trong bối cảnh áp lực với Bắc Kinh ngày càng tăng.

Sau khi kết thúc thị sát căn cứ quân sự ở Triều Châu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ghé thăm thành phố Sán Đầu, nơi ông nói rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu "trẻ hóa quốc gia" bất chấp nhiều thách thức.

Sán Đầu là một trong 4 đặc khu kinh tế được Bắc Kinh thiết lập ngay từ ngày đầu cải cách, nhưng có tốc độ phát triển kém xa Thâm Quyến, thành phố được xem là trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc.

Wu Junfei, phó giám đốc Viện nghiên cứu Tianda ở Hong Kong, cho rằng việc ông Tập Cận Bình thăm Triều Châu và Sán Đầu đã gửi đi "thông điệp tinh tế" tới doanh nhân Trung Quốc.

"Chúng ta đều biết rằng nhiều doanh nhân hàng đầu sinh ra tại khu vực này và họ có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu ở Thâm Quyến cũng đến từ các khu vực đó, nên chuyến thăm giống như một sự khen ngợi", Wu nói.

3948 tap can binh tham quang dong 1 5224 3060 1602675353

Màn hình lớn ở Hong Kong phát sóng trực tiếp bài phát biểu của ông Tập tại Thâm Quyến hôm 13/10. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi đó, Zhang Siping, cựu phó thị trưởng Thâm Quyến, cho biết khi Bắc Kinh tìm cách mở cửa đất nước nhiều hơn, thành phố này sẽ một lần nữa đảm nhận nhiệm vụ trở thành "bước đột phá" như đã làm cách đây 40 năm. Tuy nhiên, ông Zhang cho rằng nhiệm vụ "đột phá" giờ hoàn toàn khác, đồng thời thêm rằng thành phố sẽ trở thành "khu thí điểm xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng của Trung Quốc".

"Trong bối cảnh phải đối phó với các lệnh trừng phạt, chính sách kiềm chế và tách rời của Mỹ, Thâm Quyến cần phải có những bước đột phá trong việc thiết lập các quy tắc, hệ thống và tiêu chuẩn mới, cũng như đưa nền kinh tế Trung Quốc hội nhập hơn với thế giới", ông Zhang, người sáng lập Viện Đổi mới và Phát triển Thâm Quyến, nói.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến hôm 14/10, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định cam kết xem "mở cửa và cải cách" là chiến lược để giành lợi thế kinh tế, đồng thời đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ và nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác.

"Chúng ta cần phải kiên định thực hiện chiến lược phát triển theo hướng đổi mới để thúc đẩy các động cơ và xu hướng mới, nhằm xây dựng một nền công nghệ và công nghiệp có tầm ảnh hưởng toàn cầu", ông Tập tuyên bố.

Ông Tập cũng dự kiến gặp lãnh đạo Hong Kong và Macau ở Thâm Quyến, nhằm tìm cách tận dụng hệ thống luật pháp và thương mại riêng biệt của hai thuộc địa cũ, giúp khu vực rộng lớn này trở nên cạnh tranh hơn.

"Đó là cải cách toàn diện nhằm đưa thành phố này trở thành trung tâm của Vùng Vịnh Lớn", ông Tập đề cập tới kế hoạch liên kết các thành phố Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông thành một trung tâm kinh tế thống nhất.

Thanh Tâm (Theo SCMP, CGTN, GlobalTimes, Bloomberg)

Ông Tập Cận Bình: Bắc Kinh không đối kháng ý thức hệ, không chủ trương tách rời Ông Tập Cận Bình: Bắc Kinh không đối kháng ý thức hệ, không chủ trương tách rời
Lãnh đạo EU đưa Biển Đông ra nói chuyện cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Lãnh đạo EU đưa Biển Đông ra nói chuyện cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ông Tập kêu gọi đảm bảo an ninh biên giới ở Tây Tạng Ông Tập kêu gọi đảm bảo an ninh biên giới ở Tây Tạng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo chống lũ lụt thế nào? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo chống lũ lụt thế nào?
/ vnexpress.net