BLV Quang Tùng và chuyên gia Phan Anh Tú đều cho rằng những tình huống phạm lỗi dẫn đến quả 11m là hệ lụy từ những thói quen xấu của cầu thủ Việt Nam.
Tuyển Việt Nam thi đấu rất nỗ lực trước Oman trong trận đấu tối qua (12/10) để tìm kiếm điểm số đầu tiên tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Đội bóng của HLV Park Hang Seo có 2 bàn dẫn trước, nhưng để thua chung cuộc 1-3.
Ở trận này, tuyển Việt Nam bị thổi 2 quả phạt đền, lần lượt sau các tình huống vung tay vào mặt cầu thủ đối phương của Đỗ Duy Mạnh và Hồ Tấn Tài. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, những pha phạm lỗi này cho thấy thói quen xấu của một số cầu thủ Việt Nam, đó là luôn vung tay không cần thiết ở các pha bóng phòng ngự.
Do các trọng tài ở V-League bắt không chặt, nên cầu thủ không được chỉnh sửa, rồi mang thói quen này ra sân chơi quốc tế.
"Ở tình huống của Duy Mạnh, cầu thủ này vô tình thả cánh tay tự nhiên, nhưng khi xem lại nhờ VAR thì thấy tay nâng cao lên một chút, nên bị đánh giá rằng cố tình phạm lỗi dẫn đến quả phạt đền.
Bóng đá Việt Nam phải rút kinh nghiệm nhiều. Khi bắt ở giải vô địch quốc gia, các trọng tài cần quyết định chính xác, tạo ra thói quen cho cầu thủ. Tận dụng tiểu xảo trong vòng 16m50 khi đã có VAR là hành động nguy hiểm. Đây là thói quen xấu mà cầu thủ Việt Nam trước giờ hay mắc phải", chuyên gia Phan Anh Tú nhận định.
BLV Ngô Quang Tùng cũng đồng ý với nhận định này khi cho rằng tuyển Việt Nam cần rút kinh nghiệm và chấp nhận cuộc chơi. Khi VAR được áp dụng, các pha phạm lỗi sẽ bị soi kỹ hơn, nên cầu thủ phải rất cẩn thận với những tình huống va chạm trong vòng cấm.
Các cầu thủ Việt Nam phản ứng sau bàn thua thứ hai. |
"Tuyển Việt Nam thiếu kinh nghiệm, không có giải pháp ứng phó phù hợp. Lần thứ hai trong trận này, tuyển Việt Nam bị thổi 11m, nhưng chúng ta không may mắn nữa. Cách mà tuyển Việt Nam phải nhận quả phạt đền rất giống nhau, đó là những cánh tay - gần như trở thành thói quen chơi, thói quen ứng xử của cầu thủ Việt Nam khi không có VAR.
Chúng ta không phải mới gặp VAR lần đầu. Từ thời Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam đã đương đầu rồi. Đây là tiêu chuẩn của bóng đá thời công nghệ. Tham gia cuộc chơi, cầu thủ cần có trang bị, nhận thức để có hành động phù hợp.
Ở trình độ cao hơn, tuyển Việt Nam sẽ có giải pháp ở tiêu chuẩn cao hơn. Nếu không may ở thế bất lợi, cầu thủ phải có tính toán, có bài tập mới. VAR sẽ phổ cập, có thể ở cúp châu Á, hoặc V-League trong tương lai không xa. Nếu đã áp dụng công nghệ mà cầu thủ cứ ứng xử như thế, tuyển Việt Nam sẽ chịu thiệt", BLV Quang Tùng đánh giá.
HLV Nguyễn Đức Thắng của CLB TOPENLAND Bình Định cũng cho rằng trận thua là hậu quả của sự thua sút thể lực của tuyển Việt Nam so với đối thủ Oman. 3/4 thất bại gần nhất, tuyển Việt Nam đều thủng lưới trong khoảng 30 phút cuối trận. Dù đáng tiếc, nhưng cuộc so tài trên sân Sultan Qaboos đã cho thấy bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu.
Oman đã thắng Việt Nam và Nhật Bản. |
"Cần chấp nhận thực tế là tuyển Oman mạnh hơn Việt Nam. Kết quả này hơi nghiệt ngã, khi chúng ta có ý đồ chơi, có nỗ lực, nhưng trong 20 phút cuối, các cầu thủ thua sút về tốc độ và thể lực so với đối thủ. Có những tình huống Oman tấn công ở thế 5 đánh 4, lên bóng rất nhanh. Oman có lợi thế dẫn bàn, có thế trận tốt và đất diễn để phản công.
Tuyển Việt Nam đã chơi bằng tất cả những gì có thể, nhưng sân chơi này không dành cho sự non nớt. Chúng ta tiếc bàn thua thứ hai diễn ra quá nhanh. Tôi nghĩ đó là tác động đủ mạnh của hậu vệ Oman để Duy Mạnh không tham gia được pha bóng.
Đây là bàn thua khiến tuyển Việt Nam buộc phải tấn công. Đó là sai sót cộng hưởng từ thua sút về thể lực, phản ánh đúng trình độ chúng ta lúc này", HLV Đức Thắng chia sẻ.
HỒNG NAM
Tuyển Việt Nam với thất bại trước Oman: Khi sự may mắn không phải yếu tố quyết định |
Danh sách tuyển Việt Nam vs Oman: Tuấn Anh vắng mặt |
BLV Quang Huy: "Tuyển Việt Nam có thể thắng Oman" |