Phân tích về câu chuyện cứ đến hẹn lại...tắc tại cửa khẩu biên giới, các chuyên gia cho rằng cần khắc phục ngay những “lỗ hổng” đang hiện hữu.
Nhiều ngày nay, hàng nghìn container chở hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc (phần lớn là nông sản) phải "chôn chân" chờ thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc khiến doanh nghiệp khốn đốn. Nguyên nhân được xác định là do nước bạn siết chặt hoạt động thông quan để kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, điều đáng nói đây không phải câu chuyện mới xảy ra giữa thời COVID-19 mà đã lặp lại nhiều lần, trong nhiều năm, như một "căn bệnh" cố hữu.
Tài xế, doanh nghiệp mệt mỏi, tốn kém khi bị chôn chân ở cửa khẩu biên giới. (Ảnh: Công Hiếu) |
"Chữa bệnh" bằng cách nào?
"Lỗ hổng" đầu tiên khiến tình trạng ách tắc ở cửa khẩu lặp đi lặp lại chính là sự thiếu chủ động, cảnh giác của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp cần tỉnh táo, cảnh giác, cẩn trọng trước mọi thông tin mới nhất từ phía nước bạn. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa làm được điều đó", một chuyên gia kinh tế khẳng định.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, cần phải có một “nhạc trưởng” đóng vai trò điều tiết một cách thường xuyên, linh hoạt và hiệu quả để định hướng cho doanh nghiệp.
"Theo tôi, phải tháo gỡ bằng con đường ngoại giao, trong đó cần sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương với chính quyền, cơ quan chức năng của Trung Quốc để giải quyết song phương. Phải đối thoại một cách cụ thể, có giải pháp phù hợp theo hướng đường dài, nhằm đảm bảo xuất khẩu bền vững chứ không chỉ những vụ việc trước mắt”, ông Long nói.
Nhấn mạnh về chất lượng hàng nông sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác. Do vậy nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì Việt Nam sẽ tìm được nhiều thị trường khác.
“Tuy nhiên, việc sản xuất phải linh hoạt, không thể sản xuất một cách ồ ạt, theo phong trào, mà phải có sự lựa chọn theo định hướng, quy hoạch của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu mối cần phải đảm bảo trách nhiệm, có năng lực cả về quan hệ quốc tế, kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản và tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm trong xuất khẩu”, ông Long nói.
Hơn 700 xe chở hàng hóa đang chờ thông quan tại cửa khẩu Móng Cái. (Ảnh: CTV) |
Ông Long cũng cho rằng, nhằm giảm thiểu rủi ro, tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản, Việt Nam phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.
“Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Chúng ta cần tham gia chuỗi giá trị quốc tế, mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thay vì họp, ban hành các văn bản trên giấy thì cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải sâu sát, có quy hoạch vùng trồng phù hợp, phải đến tận nơi để khảo sát, định hướng, giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa một cách bài bản, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Vì sao đến hẹn lại...tắc?
Phân tích với VTC News, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, thời điểm này, chính quyền Trung Quốc đang rất gắt gao trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Một trong những biện pháp được áp dụng là hạn chế thông quan hàng xuất, nhập khẩu.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nông sản đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng. Cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu hàng hóa bên Trung Quốc tăng cao nên doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội này để thúc đẩy xuất khẩu. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp có tâm lý tranh thủ "né" chính sách siết chặt của Trung Quốc từ ngày 1/1/2022.
"Khi nguồn cung tăng mạnh mà việc thông quan bị siết chặt thì đương nhiên hàng hóa bị ứ đọng", một chuyên gia nói.
Container xếp hàng dài chờ được thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. (Ảnh: Công Hiếu) |
Không phủ nhận nguyên nhân khách quan do COVID-19 gây nên nhưng nhiều chuyên gia khẳng định, nguyên nhân lớn hơn khiến câu chuyện này lặp đi lặp lại đó là do doanh nghiệp thiếu sự chủ động trong việc điều tiết hàng hóa. Chính điều này khiến tình trạng tắc nghẽn tại cửa khẩu diễn ra nhiều lần, nhiều năm, chứ không riêng gì khi COVID-19 xuất hiện.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, ví von: Mỗi cửa khẩu được xem như một cửa ra vào của sân bóng, chỉ đón lượng người vừa đủ. Nếu quá đông thì sẽ tắc nghẽn, ùn ứ và quá tải. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại ít chú trọng điều đó, không theo sát thông tin từ phía đối tác và các cơ quan quản lý Nhà nước, cứ có hàng thì vận chuyển để xuất khẩu nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất, hàng hóa bán được nhanh nhất, nhiều nhất nên đã ồ ạt vận chuyển để cửa khẩu.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang láng giềng Trung Quốc đang phụ thuộc lớn vào con đường tiểu ngạch. "Đáng ra, doanh nghiệp Việt Nam phải ký hợp đồng dài hạn và liên kết chuỗi giá trị với các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc thì phần lớn lại đang xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch. Xuất khẩu tiểu ngạch có nhược điểm là nếu họ cần thì nhập ngay, còn không cần thì họ có những điều chỉnh mà chúng ta không thể lường trước và phản ứng nhanh được”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, hàng xuất khẩu Việt Nam cũng đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. PGS.TS Ngô Trí Long bình luận xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc có lợi thế do đường biên giới dài, tiêu chuẩn chất lượng không quá khắt khe, thị hiếu tiêu dùng lại có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đang khiến ngành sản xuất này đối mặt với nhiều rủi ro.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia khác khẳng định: "Nếu có những thị trường xuất khẩu khác thay thế, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc thì tình trạng ồ ạt đổ xô lên cửa khẩu chắc chắn sẽ giảm bớt".
Vai trò của địa phương, các bộ ngành trong việc dự báo sớm, điều tiết lượng hàng tại cửa khẩu, cảnh báo, thậm chí là kiểm soát hoạt động doanh nghiệp cũng được chuyên gia bàn tới, coi đó là nguyên nhân khiến tình trạng ách tắc khó được khắc phục. Thông thường, sau khi sự ách tắc xảy ra, cơ quan chức năng mới đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp, đồng thời đàm phán với phía Trung Quốc. Trong khi đó, theo các chuyên gia, quá trình này cần được làm sớm hơn, quyết liệt hơn.
"Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước chưa sâu sát trong việc gắn kết với khâu sản xuất và đứng ra kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nhiều thị trường, nhiều nước khác nhau", TS Lê Đăng Doanh nhận xét.
Nông sản nguy cơ rớt giá?
Tình trạng nông sản ách tắc, chưa thể thông quan sang Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia dự báo, rất có thể thị trường sẽ phải chứng kiến những đợt rớt giá mạnh.
Trên thực tế, hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu hỏng, không thể tiếp tục chờ thông quan được nữa. Do đó, các doanh nghiệp, chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển sang tiêu thụ nội địa những sản phẩm còn đảm bảo chất lượng nhằm gỡ lại phần nào chi phí. Thậm chí, nhiều lái xe phải dỡ bỏ, bán tháo nông sản ngay trên đường với giá rẻ để vớt vát vốn.
Mít chín trong lúc xếp hàng đợi thông quan, lái xe được lệnh đổ ra bán vội để gỡ lại tiền cước. (Ảnh: Công Hiếu) |
Sau những lần không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam thường giảm giá mạnh khi quay lại tiêu thụ ở nội địa.
Mới đây, đầu tháng 12, giá mít Thái ở Đắk Lắk và Hậu Giang giao tại vườn rớt thê thảm, xuống mức thấp kỷ lục chỉ còn từ 2.000 đồng/kg vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa ùn ứ cửa khẩu.
Nhiều chủ vựa thay vì đóng hàng đi xuất khẩu thì đã phải lựa chọn thị trường trong nước để tiêu thụ, chấp nhận sức mua không nhiều.
Từ giờ đến Tết Nguyên đán, dự báo Trung Quốc còn thắt chặt hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, điều này đồng nghĩa hàng Việt Nam cũng khó xuất khẩu dồn dập sang thị trường lớn này hơn trước.
PHẠM DUY