Chuyên gia: F0 điều trị tại nhà chú ý vận động điều độ, tinh thần thoải mái

Theo chuyên gia, điều quan trọng đối với F0 điều trị tại nhà là cần phải bình tĩnh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động điều độ, tinh thần thoải mái.

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho hay, F0 điều trị tại nhà chia thành 3 nhóm.

Thứ nhất, nhóm đã tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Ở nhóm này, khi điều trị tại nhà cần hết sức bình tĩnh vì thông thường, khoảng 5-7 ngày bệnh sẽ tự khỏi. Đối với các trường hợp có vấn đề xảy ra ở nhóm này thường gặp ở những người đã tiêm vaccine quá 3 tháng, còn với những người tiêm vaccine mũi 2 trong vòng 3 tháng sẽ không có gì đặc biệt.

Chuyên gia: F0 điều trị tại nhà chú ý vận động điều độ, tinh thần thoải mái  - 1
Bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Nhóm thứ 2 là nhóm chưa tiêm vaccine và nhóm 3 là những người có tiêm vaccine nhưng thừa cân, nhiều bệnh nền.

Các F0 điều trị tại nhà phải hiểu mình thuộc nhóm nào. “Dù ở nhóm nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là phải bình tĩnh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động điều độ, tinh thần thoải mái”, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Theo BS Trương Hữu Khanh, một điều cần lưu ý với các F0 điều trị tại nhà là theo dõi nồng độ oxy trong máu. “Nồng độ oxy trong máu sẽ cho biết có nguy cơ hay không trong quá trình mắc bệnh. Còn tất cả các triệu chứng khác như sốt, đau đầu, khó ngủ, tiêu chảy, nhức mỏi là triệu chứng thông thường. Nếu nồng độ oxy trong máu mà tốt, thì sẽ vượt qua”, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Chuyên gia: F0 điều trị tại nhà chú ý vận động điều độ, tinh thần thoải mái  - 2
Nhân viên y tế phường Linh Tây (TP Thủ Đức) phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: VNexpress.net

Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng sinh, những ngày đầu các F0 đã tiêm vaccine phòng COVID-19 không cần sử dụng. Thuốc này chỉ sử dụng khi sang ngày thứ 3, thứ 4, nếu bản thân thấy có vấn đề gì xảy ra.

Ngược lại, với nhóm chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã tiêm vaccine mà lớn tuổi thì thuốc kháng virus uống càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong 2 – 5 ngày đầu vì nếu uống muộn, sẽ có ít tác dụng trong điều trị.

Một điều nữa cũng được BS Trương Hữu Khanh lưu ý đó là, khi quyết định điều trị tại nhà, việc test nhanh lại phải hết sức bình tĩnh. Vì khi xét nghiệm lại có thể có người 7 ngày sau âm tính nhưng cũng có 1 số người 7 ngày sau vẫn dương tính, cũng có người 14-21 ngày mới âm tính. Vì vậy, theo BS Khanh, “Nếu quyết đinh xét nghiệm lại thì quan trọng nhất vẫn là cơ thể mình khỏe, còn 1 số người sau khi xét nghiệm thấy vẫn dương tính thì không được phát hoảng, vì sẽ ảnh hưởng yếu tố tinh thần”.

BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, đối với các F0 điều trị tại nhà, nếu nồng độ oxy trong máu thấp hơn 93 hoặc có bất cứ dấu hiệu nào như tức ngực, tím tái, choáng váng thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế. Hoặc, những đối tượng có nguy cơ cao mà chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 thì cũng nên tiếp cận ngay với y tế.

Về lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt, BS Trương Hữu Khanh cho hay, khi sử dụng thuốc hạ sốt có nhiều tên khác nhau, bản chất vẫn là Paracetamol, nên tuyệt đối không được uống viên này, rồi uống thêm viên khác vì như vậy sẽ gây quá liều.

THANH HẢI

F0 cộng đồng tiếp tục tăng ở nhiều địa phương, Hà Nội dịch cấp độ 2 F0 cộng đồng tiếp tục tăng ở nhiều địa phương, Hà Nội dịch cấp độ 2
Số F0 ở TP.HCM đã giảm, vì sao Hà Nội lại tăng từng ngày? Số F0 ở TP.HCM đã giảm, vì sao Hà Nội lại tăng từng ngày?
Quy định mới Bộ Y tế: Bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc cơ thể với F0 mới coi là F1 Quy định mới Bộ Y tế: Bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc cơ thể với F0 mới coi là F1

/ vtc.vn