Chuyển đổi số là “kim chỉ nam” vượt qua đại dịch

Chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành xu thế tất yếu trong các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (Cách mạng 4.0). Chuyển đổi số có thể hiểu một cách khái lược là sự tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức để thay đổi về căn bản cách thức điều hành, mô hình kinh doanh… để từ đó cung cấp các giá trị mới cho khách hàng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng tạo nên sự thay đổi toàn diện từ quy trình vận hành, thủ tục, văn hóa của doanh nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số, hướng tới mục tiêu đạt hiệu quả tích cực hơn trong tất cả các hoạt động.

Nếu số hóa (digitalization) chỉ đơn giản là quá trình chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số thì việc tiến hành “chuyển đổi số” toàn diện là để khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, chuyển đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới.

Bên cạnh chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành dầu khí. Từ thập kỷ 1980 của thế kỷ trước, các công ty dầu khí đã bắt đầu áp dụng công nghệ số nhằm nắm được toàn bộ thông tin, dữ liệu về một mỏ dầu khí và tiềm năng khai thác, cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động cũng như cải thiện lợi nhuận tại các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới.

Theo phân tích và số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) thì trong giai đoạn 10 năm từ 2016 đến 2025, việc triển khai đồng bộ chuyển đổi số có thể tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD lợi nhuận cho các công ty dầu khí và đóng góp khoảng 640 tỷ USD cho xã hội. Con số này bao gồm 170 tỷ USD tiết kiệm cho khách hàng, 10 tỷ USD cải thiện năng suất, 30 tỷ USD từ việc giảm sử dụng nước và 430 tỷ USD từ việc giảm lượng khí thải. Lợi ích về môi trường bao gồm giảm khí thải - khoảng 1.300 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm xấp xỉ 800 triệu gallon nước và tránh tràn dầu tương đương khoảng 230.000 thùng dầu.

Không nằm ngoài xu hướng, tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN là doanh nghiệp luôn luôn áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và các khâu sau như chế biến, vận chuyển, sản xuất phân bón, sản xuất điện... Vì vậy, việc chuyển đổi số trong từng đơn vị thành viên là vấn đề được đặt ra cấp thiết.

Một trong những đơn vị đi đầu và thu được kết quả cụ thể trong việc thực hiện chuyển đổi số là Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC). Về chuyển đổi số, BIENDONG POC là một trong những Công ty đi tiên phong ở PVN và sau 2 năm đã có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ trong công tác chuyển đổi số.

Giàn xử lý trung tâm PQP-HT và giàn WHP-HT1, mỏ Hải Thạch.

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải,Tổng Giám đốc BIENDONG POC cho biết: “Phải xác định chi phí vào chuyển đổi số là chi phi đầu tư rất có lợi về lâu dài chứ không phải chi phí tiêu hao, vì thế cần phải xây dựng chiến lược dài hạn, phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh để chúng ta tạo ra sự thay đổi, cạnh tranh tốt. Đó là động lực phát triển vượt bậc trong tương lai.

Khi BIENDONG POC đang bước vào giai đoạn hiện thực hóa công tác chuyển đổi số cũng là lúc đại dịch Covid-19 ập đến. Chúng tôi nhận thấy ngay giá trị của chuyển đổi số, bằng chứng là đã có hơn 200 ngày BIENDONG POC làm việc tại nhà, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đảm bảo an toàn, liên tục, hiệu quả. Tất cả mọi công việc đều được xử lý trên nền tảng số: E – Approve, E-Signing, Microsoft Ofice 365, sân khấu ảo, văn phòng không giấy. Kiểm soát các máy móc hệ thống công nghệ ngoài giàn khai thác,…rất minh bạch, rõ ràng, ai cũng nhìn thấy trên cùng một Platform, tốc độ xử lý Real Time nhanh hơn và hiệu quả công việc cao hơn”

Để thực hiện thành công việc chuyển đổi số, BIENDONG POC phải thay đổi nhận thức cho lãnh đạo và toàn thể người lao động đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh của mình đồng thời xây dựng lộ trình từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp, dễ dàng lan tỏa rộng, hiệu quả cao làm trước; phức tạp, chi phí lớn làm sau.

BIENDONG POC đã chủ động triển khai chuyển đổi số trong năm 2019 và 2020, đó là bước đệm quan trọng để phát huy được lợi ích trong công tác quản trị điều hành trong năm 2021. Có thể nhận thấy hiệu quả của triển khai chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực.

Về công tác quản trị văn phòng: công cụ E-signing đã giải quyết được rất nhiều thủ tục về mặt giấy tờ, từ việc đơn giản nhất là chấm công cho đến phê duyệt đấu thầu, thanh toán; các Tọa đàm, hội nghị cũng được tổ chức thường xuyên hơn và online 100% vừa đơn giản hóa công tác chuẩn bị vừa mang lại lợi ích cho người lao động.

Về công tác vận hành trên giàn: nhiều hạng mục trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài trực tiếp sửa chữa bảo dưỡng, gây tốn kém về mặt thời gian và chi phí. Hiện nay, hầu hết các hạng mục đã được thực hiện online thông qua các phần mềm chẩn đoán và sửa chữa từ xa, tiết kiệm được nhiều chi phí, tăng hệ số làm việc của giàn, trong khi chi phí cho chuyển đổi số ít hơn rất nhiều.

Nhờ những hiệu quả thu lại được từ việc triển khai chuyển đổi số; năm 2021, mặc dù phải căng sức chống dịch và trải qua duy tu, bảo dưỡng lớn, nhưng BIENDONG POC vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch khai thác và giao nộp tài chính. Tính chung cả Khí và Condensate thì sản lượng quy đổi ước vượt 0,72% so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất quy đổi đạt 104% kế hoạch năm 2021; hoàn thành tất cả chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch. Đặc biệt nhờ áp dụng việc chuyển đổi số trong quản lý và điều hành, giá thành khai thác dầu condensate và khí đã giảm gần 5%... Đây thực sự là một con số cực kỳ ấn tượng và thành công rất đáng ghi nhận.

PV

Tết, niềm vui và nỗi nhớ Tết, niềm vui và nỗi nhớ
Lễ chào cờ “độc nhất vô nhị” trên giàn khoan Lễ chào cờ “độc nhất vô nhị” trên giàn khoan
Đảng bộ BIENDONG POC: Công tác Đảng ở một Liên doanh có nước ngoài Đảng bộ BIENDONG POC: Công tác Đảng ở một Liên doanh có nước ngoài

/ Nghề nghiệp và cuộc sống