Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định bốn ổ dịch trên địa bàn đã được kiểm soát, các ca mới đều được cách ly hoặc ở khu phong tỏa, không lây ra cộng đồng.
Từ cuối tháng 4 đến nay, Vĩnh Phúc phát sinh bốn ổ dịch gồm: Quán karaoke Sunny (phường Phúc Thắng); phường Hùng Vương, TP Phúc Yên; trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen, phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên; Công ty Vinatop, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.
Từ 0h ngày 19/5, Vĩnh Phúc giảm cấp độ chống dịch, gỡ phong tỏa TP Vĩnh Yên, chuyển sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và một phần Chỉ thị 16.
"Vĩnh Phúc xuất hiện dịch sớm, bất ngờ, tốc độ lây lan nhanh. Những ngày đầu chúng tôi rất căng thẳng vì mỗi ngày xuất hiện dồn dập các ca nhiễm. Chúng tôi phải chạy đua với dịch bệnh cả ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay, cả bốn ổ dịch trên địa bàn đã được khoanh vùng tương đối triệt để", ông Thành nói và khẳng định các giải pháp chống dịch quyết liệt thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần "chặn đứng nguy cơ lây lan ra cộng đồng".
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Viết Tuân |
Vĩnh Phúc kiên trì chiến lược khoanh vùng nhanh, cách ly chặt, xét nghiệm diện rộng để dập dịch. "Tôi trực tiếp đưa ra mệnh lệnh hành chính, yêu cầu tất cả đơn vị sau 2 tiếng khi ghi nhận F0 phải truy vết hết F1; sau 10 tiếng phải xét nghiệm xong F1. Ai không thực hiện được thì đình chỉ, kỷ luật", ông Thành nêu một trong những giải pháp cơ bản của địa phương thời gian qua.
Đầu tháng 5, tỉnh chỉ có hai cơ sở xét nghiệm, công suất 1.000 mẫu mỗi ngày, đến nay đã có 5 phòng xét nghiệm PCR, công suất 6.000 mẫu đơn và 60.000 mẫu gộp mỗi ngày. Vĩnh Phúc thực hiện phương pháp xét nghiệm gộp 5 mẫu ngay từ những ngày đầu, để tiết kiệm thời gian, chi phí. Đến nay, tỉnh đã xét nghiệm được hơn 100.000 mẫu.
Vĩnh Phúc cũng tăng công suất khu cách ly tập trung từ 1.400 lên 10.000 giường; tăng từ 2 lên 4 bệnh viện dã chiến với 200 giường. 6 bệnh viện cấp tỉnh được huy động để điều trị bệnh nhân.
Tất cả doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp phải xét nghiệm cho công nhân. "Yêu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chi tiền xét nghiệm cho công nhân không đơn giản. Thậm chí có doanh nghiệp đã khiếu nại chúng tôi với Đại sứ quán nước họ. Chính quyền rất kiên trì thuyết phục, vận dụng các quy định pháp luật để thực hiện chủ trương này", ông Thành cho hay.
Kỷ luật nghiêm cán bộ cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy chống dịch hiệu quả. Vĩnh Phúc đã đình chỉ 8 cán bộ trong 10 ngày, với quan điểm "chống dịch như thời chiến, cán bộ không thể đủng đỉnh bởi chỉ sơ sẩy là người dân phải trả giá bằng tính mạng". "Tôi đưa ra yêu cầu tăng cường biện pháp chống dịch lúc 3h sáng, tất cả đơn vị thực hiện, nhưng riêng một đơn vị không làm nên người đứng đầu bị đình chỉ là đương nhiên", ông Thành nêu dẫn chứng.
Theo Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương đang hướng đến sống chung với dịch. Nghĩa là khi có dịch ở đâu thì huy động tất cả lực lượng nhanh chóng khoanh vùng gọn ở đó, nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống của người dân bình thường, sản xuất, kinh doanh thông suốt, không bị đình trệ.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định về lâu dài giải pháp căn cơ là tạo miễn dịch cộng đồng bằng vaccine. Hôm 16/5, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương tiêm vaccine toàn dân, từ nay đến 2022, kinh phí dự kiến 342 tỷ đồng. Tất cả người trên 18 tuổi có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng ở Vĩnh Phúc sẽ được tiêm miễn phí.
Chuỗi lây nhiễm cộng đồng ở Vĩnh Phúc bắt đầu từ 2/5, liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc nhiễm nCoV. Đến nay, Vĩnh Phúc ghi nhận 88 ca Covid-19; 63.000 người được theo dõi, giám sát y tế.
Vĩnh Phúc xét nghiệm toàn bộ công nhân |
Vĩnh Phúc đình chỉ công tác 8 cán bộ trong 10 ngày |