Chiến lược vaccine - Chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế

Với chiến lược vaccine của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào đầu năm sau hay không? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Hơn 4 tháng bùng phát đợt dịch thứ tư, với biến chủng Delta làm đảo lộn thành quả chống dịch toàn cầu, ưu tiên cao nhất của Việt Nam hiện nay là nỗ lực tìm nguồn cung ứng vaccine và triển khai tiêm vaccine diện rộng để sớm miễn dịch cộng đồng. Vaccine là liệu pháp quan trọng nhất chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả và bền vững; tiêm vaccine bao phủ diện rộng là chìa khóa để xây dựng phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Với chiến lược vaccine của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào đầu năm sau hay không? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Chiến lược vaccine - Chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế -0

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Xin ông cho biết, đến thời điểm này Việt Nam đã tiếp nhận số lượng vaccine như thế nào? Đến hết năm nay, chúng ta có đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việt Nam hiện đã tiếp nhận được hơn 34 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó có từ Cơ chế COVAX, viện trợ song phương giữa Chính phủ các nước và nguồn mua qua VNVC. Đến ngày 11/9, Việt Nam đã tiêm được hơn 27 triệu liều vaccine, trong đó mũi 1 đã tiêm được gần 22 triệu liều và mũi 2 gần 2,5 triệu liều. Như vậy, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn còn thấp so với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo dự kiến của Bộ Y tế, đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về nhiều trong tháng 9, dự kiến 20 triệu liều và các tháng còn lại trong năm. Bộ Y tế đang đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Nếu lượng vaccine về Việt Nam như dự kiến trên thì có thể đầu năm sau chúng ta sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng khi có 70% dân số được tiêm 2 mũi vaccine.

PV: Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Theo ông, với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh ở vùng giãn cách, chúng ta có nên nới lỏng đi lại cho họ hay không? Việc nới lỏng này nên làm thí điểm ở địa phương nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi cho là rất cần thiết, chỉ có tiêm vaccine mới có thể đảm bảo phòng, chống dịch một cách bền vững, để không phải giãn cách. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, đặc biệt nhiều tỉnh còn quá thấp, trong khi nguy cơ dịch rất cao nên cần phải có quy định cho những người tiêm chủng 2 mũi để người dân đi lại làm ăn, đạt được mục tiêu kép. Đây cũng là quyền lợi của người tiêm chủng và khuyến khích người khác đi tiêm.

Vì tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine của Việt Nam chưa đạt được như các nước nên trong thời gian tới chúng ta chỉ nên thí điểm nới lỏng ở một số khu vực như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thậm chí Phú Quốc… nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao. Cần quy định riêng cho từng vùng có tỷ lệ tiêm chủng cao này và coi như một “quốc gia thu nhỏ” để có nới lỏng như: Quy định người đã được tiêm chủng đi lại trong vùng này thì như thế nào, khi họ đi tới những vùng được tiêm chủng thấp thì làm sao để tránh nguy cơ lây lan cho người già, người bệnh nền cũng như tránh làm lây lan bùng phát dịch tại các nơi này. Vì người đã tiêm chủng 2 mũi nguy cơ giảm lây nhiễm là có nhưng không phải triệt để, họ cũng có thể nhiễm COVID-19 nhưng nhiễm bệnh nhẹ, có thể không phải đi viện, không phải tử vong - đây là ưu việt nhất của vaccine này.

Hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo xây dựng cho những người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi được đi lại và được tham gia các hoạt động để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch tốt.

PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng của vaccine trong nước hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất vaccine trong nước, hiện có 2 vaccine rất triển vọng, trong đó có Nanocovax của Công ty Nanongen, đang thử nghiệm giai đoạn 3b, trong quý 4 năm nay có thể hoàn thành.

Thứ hai là vaccine Covivac của IVAC đang thử nghiệm giai đoạn 2, dự kiến tháng 12 năm nay thử nghiệm giai đoạn 3. Đặc biệt IVAC phát triển vaccine COVID-19 trên nền của vaccine cúm. IVAC là một cơ sở sản xuất vaccine, đã sản xuất được vaccine cúm mùa, các vaccine tiêm chủng cho trẻ em... Tuy nhiên, sản xuất vaccine đòi hỏi phải an toàn và hiệu quả, phải có thời gian đảm bảo cho sản xuất, thử nghiệm nên sẽ kéo dài. Theo dự báo, dịch COVID-19 còn lâu dài, có thể sẽ như bệnh cúm, chúng ta phải tiêm hằng năm nên việc có vaccine “Made in Vietnam” là rất quan trọng để chúng ta chủ động trong phòng, chống dịch và đảm bảo an ninh vaccine trong nước.

PV: Ông có khuyến cáo gì khi vừa qua có một số địa phương tiêm hết vaccine Moderna, không để lại vaccine loại này để tiêm mũi hai khiến chúng ta phải tổ chức tiêm trộn. Đây có phải là việc chạy theo thành tích để lấy số lượng bao phủ mũi 1 hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi cho đây không phải là chạy theo thành tích mà nhiều địa phương cứ có người đăng ký là tiêm, có vaccine là tiêm hết, cứ tiêm được cho nhiều người là tốt hoặc nghĩ rằng, tiêm hết sẽ được cấp tiếp nên vừa qua dẫn đến tình trạng một số nơi hết vaccine Moderna để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm phối hợp tiêm mũi 1 Moderna thì mũi 2 có thể tiêm Pfizer. Tuy nhiên, qua sự việc vừa rồi, các địa phương phải đặc biệt chú ý, phải tuân theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng, để không bị động trong triển khai.

PV: Vaccine là chìa khóa để khôi phục phát triển kinh tế, nhưng hiện nay nguồn cung ứng vaccine còn thiếu hụt, đặc biệt là COVAX hiện chưa có kế hoạch cung ứng cụ thể cho Việt Nam. Vậy làm thế nào để nhanh chóng có vaccine tiêm chủng cho người dân đạt miễn dịch cộng đồng?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chính phủ rất tích cực và chỉ đạo quyết liệt trong việc tìm kiếm các nguồn vaccine, đặc biệt là ngoại giao vaccine, bằng việc thành lập tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng để xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị và vật phẩm y tế cho phòng, chống dịch COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc từ các đối tác song phương và đa phương. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang có chuyến thăm và làm việc tại một số nước châu Âu, qua đó đã có nhiều tin vui về vaccine. Trong tháng tới, vaccine sẽ về nhiều hơn. Vaccine trong nước cũng có triển vọng, bên cạnh đó sẽ có vaccine để tiêm chủng đạt tỷ lệ cao. Để công tác tiêm an toàn và đạt hiệu quả, các địa phương phải có kế hoạch, chuẩn bị sẵn khi có vaccine về thì tiêm chủng được ngay, đạt được hiệu quả như mong muốn.

PV: Đến nay đã trải qua hơn 4 tháng của đợt dịch thứ tư, số ca mắc và số ca tử vong của Việt Nam vẫn cao. Để sớm khống chế dịch, giảm ca mắc và giảm tử vong, ông có khuyến cáo gì cho các địa phương và người dân lúc này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tùy từng địa phương vì dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam không đồng đều, nguy cơ đến đâu chúng ta sẽ đáp ứng đến đó. Mỗi địa phương không chỉ căn cứ vào tình hình dịch mà còn căn cứ vào đời sống, phát triển kinh tế, an sinh xã hội của người dân để đáp ứng sao cho phù hợp, từ giãn cách, phong tỏa, điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong, nhưng phòng, chống dịch vẫn là ưu tiên trên hết.

Ví dụ như TP Hồ Chí Minh, hiện có hàng nghìn ca mắc/ngày, tới đây TP chuẩn bị phải nới lỏng giãn cách, mở cửa để khôi phục kinh tế. Hà Nội, Đà Nẵng chỉ mấy chục ca mắc/ngày nhưng vẫn đóng cửa… Do vậy, không địa phương nào giống địa phương nào, tùy vào mục tiêu của từng tỉnh để có cách ứng phó sao cho phù hợp.

Thời điểm này, Hà Nội cần chú ý tiếp tục làm sao khống chế, kiểm soát được dịch, để làm chậm quá trình bùng phát và lây lan của dịch. Thứ hai là tổ chức tiêm vaccine, đẩy mạnh vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, đảm bảo được mục tiêu dịch không bùng lên, không có ca bệnh tử vong. Khi chúng ta tiêm đủ vaccine thì có thể nới lỏng giãn cách để làm ăn kinh tế. Trong lúc này Thủ đô vẫn cần cố gắng kiểm soát được dịch vì tình hình dịch trong nước và quốc tế rất phức tạp.

Tôi đặc biệt lưu ý, việc tiêm vaccine và xét nghiệm phải đảm bảo an toàn. Tất cả vaccine được cấp phép và lưu hành ở Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân nên tiêm khi có vaccine, bởi"vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất". Tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho người thân trong gia đình và đây cũng là trách nhiệm cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nội: Lấy mẫu cộng đồng, phát hiện một người ở chung cư A5 Đền Lừ dương tính, kỷ lục tiêm 411.000 liều vaccine/ngày Hà Nội: Lấy mẫu cộng đồng, phát hiện một người ở chung cư A5 Đền Lừ dương tính, kỷ lục tiêm 411.000 liều vaccine/ngày

Qua lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, Hà Nội vừa phát hiện thêm 2 ca Covid-19 cộng đồng. Cũng trong ngày 11-9, Hà Nội thiết ...

/ cand.com.vn