Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, ông Hồ Quang Cua muốn nhượng lại bản quyền và Bộ sẽ tính nguồn tiền, xin phép Chính phủ mua lại.
Thông tin trên được ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chia sẻ với VnExpress chiều ngày 5/5.
Với nguyện vọng của nhóm tác giả này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cân đối nguồn tiền trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, để mua lại bản quyền này.
"Chúng tôi sẽ xin phép Chính phủ thực hiện do đây là trường hợp chưa có tiền lệ", ông Tiến nói.
Sau khi mua lại bản quyền giống lúa ST25, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu, đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST25 tại một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.
Trước đó, ông Hồ Quang Cua, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã uỷ quyền cho PAN Group làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Vì lý do bảo mật, đơn vị này không chia sẻ cụ thể tên các thị trường nhưng cho biết "sẽ là các thị trường trọng điểm doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận hoặc được quan tâm".
"Nếu thị trường nào được uỷ quyền đã có bên đăng ký bảo hộ, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để lấy lại quyền bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25, đảm bảo quyền lợi của tác giả và các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sau này", đại diện PAN nói với VnExpress.
Theo thoả thuận, PAN sẽ nhận uỷ quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng "ST24", "ST25"; đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu ST24, ST25; đồng thời ngăn chặn, bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.
Gạo ST25 được bày bán tại một đại lý trên đường 3/2, quận 10 (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần. |
Bản thân PAN Group cũng là nhà sản xuất gạo giống ST24, ST25 lớn trong nước, có kinh nghiệp xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường như châu Âu, Anh, Australia... Theo đơn vị này, ST25 là một nhãn hiệu tốt có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt gia tăng về doanh thu, uy tín ở nước ngoài. Đồng thời, ST25 cũng có thể phát triển thành tài sản quốc gia dưới dạng nhãn hiệu được chứng nhận quốc tế.
Riêng tại Mỹ, Việt Nam chỉ còn 30 ngày kể từ ngày 4/5 để khiếu nại nhãn hiệu ST25 lên Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu (USPTO) sau khi cơ quan này công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc. Trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi muốn xuất khẩu gạo ST25 sang những nước đã mất nhãn hiệu.
Ngoài Mỹ, một doanh nghiệp ở Australia cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25. Thương vụ Việt Nam tại hai nước này cho biết đã làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phản đối nhãn hiệu bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ.
Một doanh nghiệp Mỹ sắp được chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 |
Bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 như thế nào |