Bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 như thế nào

"ST25" đang bị 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký nhãn hiệu, trong khi cha đẻ của giống gạo Việt Nam ngon nhất thế giới - kỹ sư Hồ Quang Cua, chưa phản đối việc này.

Trang web của Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ - United States Patent and Trademark Office (USPTO) thể hiện có 5 đơn (của 4 doanh nghiệp) đăng ký nhãn hiệu liên quan đến "ST25".

Nhãn hiệu thứ nhất là The world's best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi - khong tieu duong, đăng ký ngày 22/10.

Nhãn hiệu thứ hai và ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều có tên "ST25" do hai đơn vị là I&T Enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt các ngày 6/8/2020 và 10/8/2020.

Nhãn hiệu thứ tư và năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm No.1 Vietnam ST25 rice the world's best riceVietnam's ST25 rice, dac san Soc Trang đăng ký ngày 31/7 và 1/9/2020. Trong đó, nhãn No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice được mô tả thiết kế là hình hai bông lúa cách điệu với chữ No.1 ở phía trên, bên phải có dòng chữ Vietnam’s ST25 the wold’s best rice.

Hiện, đơn đăng ký nhãn hiệu "ST25" (nhãn hiệu thứ hai) với số seri: 90009521, nộp ngày 6/8/2020 đã được USPTO chấp nhận và sẽ được công bố vào ngày 4/5 sắp tới.

Bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 như thế nào

Nhãn hiệu "ST25" với số seri 90009521 của I&T Enterprise, INC. Corporation sắp được Mỹ công bố cấp đăng ký sở hữu trí tuệ.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha), pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành và Đạo luật Nhãn hiệu của Mỹ (Trademark Act) năm 1946, sửa đổi bổ sung gần nhất năm 2003, "Gạo ST25" đang được gọi thông dụng trên thị trường là tên của loại gạo - sản phẩm chế biến từ thóc, thu hoạch được từ giống lúa ST25 (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ cho Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, do con trai kỹ sư Hồ Quang Cua làm giám đốc).

Căn cứ vào hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của USPTO, thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu "ST25" vì nó đã là tên giống cây trồng của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

Do vậy, vì một lý do nào đó mà dấu hiệu "ST25" được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo (như nhãn hiệu số hai - đã được USPTO chấp nhận và sẽ được công bố vào ngày 4/5) thì các tổ chức, cá nhân liên quan đều có quyền phản đối đơn đăng ký này. "Vì ST25 là tên giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào", luật sư Mạch nói.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 2 Điều 74 Luật SHTT quy định, tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến "sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu". Điều đó có nghĩa, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không được bảo hộ độc quyền dấu hiệu"ST25" cho sản phẩm gạo.

Nhưng nếu trên một nhãn hiệu có "ST25" cùng với các dấu hiệu khác (ký hiệu, đường nét, hình khối, màu sắc...) tạo thành một tổng thể (như nhãn đăng ký thứ tư No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice) thì chỉ dấu hiệu "ST25" bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ, các dấu hiệu còn lại vẫn có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ.

"Như vậy, dù 5 hồ sơ đăng ký tại Mỹ chưa được USPTO cấp giấy chứng nhận văn bằng bảo hộ nhưng nếu ông Cua không có những động thái kịp thời để đăng ký; hoặc phản đối, ngăn chặn các chủ thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu; hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác về gạo này, thì sẽ có nguy cơ mất luôn quyền được bảo hộ nhãn hiệu với sản phẩm này tại thị trường Mỹ", luật sư Mạch nói.

Ông Mạch dẫn chứng, trước đây sự việc tương tự đã xảy ra đối với thương hiệu cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre.

Năm 1998, khi đang có doanh số tiêu thụ rất cao tại thị trường Trung Quốc, kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ bỗng sụt giảm nghiêm trọng. Qua tìm hiểu, bà được biết tháng 8/2008 Công ty Rừng Dừa đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu "Kẹo dừa Bến Tre" tại Trung Quốc, chỉ còn 3 tháng nữa là được cấp bằng. Bà Tỏ ngay sau đó phải làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu của mình. Đến tháng 5/1999, bà được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời sản phẩm của Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành.

Tháng 7/2000, Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Do Trung Nguyên chưa đăng ký nhãn hiệu của mình tại quốc gia này, khi hai bên chưa ký kết hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Nhằm bảo vệ nhãn hiệu của mình, Trung Nguyên vừa nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Mỹ và WIPO, vừa đàm phán với Rice Field. Mất 2 năm sau Trung Nguyên mới lấy lại được nhãn hiệu.

Bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 như thế nào

Gạo ST25 được bày bán tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo đó, luật sư Mạch cho rằng, ông Cua cần lập tức nộp đơn phản đối, khiếu nại cho Ban khiếu nại và xét xử Nhãn hiệu (TTAB) thuộc USPTO về việc nhãn hiệu "ST25" số seri 90009521 sắp được USPTO cấp đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, công bố ngày 4/5. Ông cũng cần củng cố hồ sơ để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với gạo ST25 (giống lúa) trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như đưa sản phẩm ra thị trường, trong đó có Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Cua cần làm ngay các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo ST25, có thể là đăng ký bảo hộ về quyền đối với giống lúa, về nhãn hiệu trên bao bì hàng hóa chứa sản phẩm gạo tại Mỹ.

Ông Cua có thể thực hiện theo hai cách là đăng ký nhãn hiệu trực tiếp cho USPTO hoặc thông qua thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid (gồm Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid năm 1989 mà Việt Nam và Mỹ đều là thành viên).

Hiện, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã liên hệ với ông Cua, giới thiệu một số chuyên gia về lĩnh vực này, có thể giúp ông khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu gạo ST25 với cơ quan Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có quan điểm sẽ hỗ trợ tối đa cho ông Cua, doanh nghiệp, để bảo vệ thương hiệu gạo ST25. Dự kiến, Bộ sẽ vào làm việc trực tiếp với ông Cua để giải quyết vụ việc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25; theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời ở thị trường Mỹ và phối hợp với cơ quan tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ (Bộ Công thương) để có tác động kịp thời các cơ quan đại diện ở Mỹ về vụ việc liên quan.

"Nhìn chung, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng chỉ mang tính hướng dẫn, định hướng bởi vì nhãn hiệu là tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình và chủ động trong việc đăng ký cũng như bảo vệ nhãn hiệu và các yếu tố được bảo hộ khác", luật sư Mạch nêu quan điểm.

Quốc Thắng

Thương hiệu gạo ST25 chưa được bảo hộ trên thị trường Mỹ Thương hiệu gạo ST25 chưa được bảo hộ trên thị trường Mỹ
"Cha đẻ" gạo ST25 Hồ Quang Cua: Gạo được đăng ký thương hiệu ở Mỹ là điều tốt "Cha đẻ" gạo ST25 Hồ Quang Cua: Gạo được đăng ký thương hiệu ở Mỹ là điều tốt
TPHCM: Gạo ngon nhất thế giới ST25 bán tràn lan, khó phân biệt thật giả TPHCM: Gạo ngon nhất thế giới ST25 bán tràn lan, khó phân biệt thật giả
/ vnexpress.net