Cái tát của Will Smith và lời cảnh tỉnh về nạn miệt thị ngoại hình

Không ai cổ vũ cho hành vi bạo lực, nhưng cái tát của Will Smith trên sân khấu Oscar cũng nhắc đến một thực trạng đáng buồn khác: Nạn miệt thị ngoại hình.

Cái tát của tài tử Will Smith dành cho người dẫn chương trình Chris Rock làm lu mờ mọi diễn biến còn lại trên sân khấu Oscar 2022 ngày 28/3. Giây phút vung tay của Will có lẽ sẽ trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ và đáng tiếc nhất nhất lịch sử giải thưởng điện ảnh danh giá này. Chủ đề được bàn tán nhiều nhất về Oscar 2022 không phải là các nghệ sĩ hay bộ phim đoạt giải mà là cái tát nảy lửa ấy.

Hành vi bạo lực không bao giờ nhận được sự ủng hộ, nhất là khi nó xảy ra ở một sự kiện văn hóa lớn như Oscar. Dù nhân danh tình yêu hay bất cứ điều gì, lẽ ra Will Smith có thể dùng cách khác để phản đối việc Chris Rock đưa ngoại hình, bệnh tật của vợ mình ra pha trò. Tuy nhiên, sự việc ầm ĩ này cũng nhắc chúng ta nhớ đến một thực trạng đáng buồn khác vẫn tồn tại trong giới giải trí và cuộc sống đời thường: Nạn miệt thị ngoại hình - body shaming. Nói theo cách của một số cư dân mạng, trong câu chuyện cái tát, chúng ta không đứng về phía Will Smith hay Chris Rock, mà đứng về phía Jada Pinkett Smith.

Để tạo sự hài hước cho sân khấu lễ trao giải, MC Chris Rock - vốn là diễn viên hài nổi tiếng - đã đem kiểu đầu trọc do hội chứng tóc rụng từng mảng của Jada Pinkett Smith ra đùa cợt. Trước phản ứng dữ dội của người chồng phẫn nộ Will Smith, MC phân bua rằng đó chỉ là đùa thôi.

Cái tát của Will Smith và lời cảnh tỉnh về nạn miệt thị ngoại hình - 1
Will Smith tát vào mặt Chris Rock.
Cái tát của Will Smith và lời cảnh tỉnh về nạn miệt thị ngoại hình - 2
Vợ của Will Smith đối mặt với hội chứng tóc rụng từng mảng.

Vâng, có thể Chris Rock không ác ý khi nhắc tới vợ Will Smith. Với người dẫn chương trình, những lời nói đùa (joke) là gia vị để tạo ra tiếng cười và bầu không khí gần gũi, vui vẻ rất cần thiết cho buổi lễ mang tính hàn lâm. Tuy nhiên, tạo tiếng cười bằng cách chọc vào bệnh tật, khiếm khuyết ngoại hình của người khác, nhất là ở sự kiện văn hóa danh tiếng có hàng chục triệu người theo dõi như Oscar, là hành động hết sức tàn nhẫn. Đó chính là hình thức body shaming, nó gây tổn thương nhiều hơn tiếng cười. Chris Rock đã đi quá giới hạn và điều này dẫn đến một hành động đi quá giới hạn khác.

Body shaming là một vấn nạn của xã hội hiện đại. Khi mạng xã hội bùng nổ giúp hình ảnh cá nhân lan tỏa vượt mọi ranh giới, con người để ý hơn tới hình thức của bản thân và càng bị người khác tạo áp lực lớn về ngoại hình. Quan điểm "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" chưa lỗi thời, nhưng "nước sơn" ngày càng quan trọng, thậm chí ảnh hưởng nhiều đến cách người khác đánh giá về "gỗ".

Body shaming được sử dụng làm phương pháp pha trò phổ biến từ các tình huống giao tiếp suồng sã đến những sự kiện chính thống trên sóng truyền hình. Khác với kỳ thị chủng tộc và giới tính, nạn miệt thị ngoại hình chưa được quan tâm đúng mức dù nó đa dạng và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Ranh giới giữa "hài hước" và "vô duyên" ở các câu nói đùa vốn mong manh bởi phụ thuộc vào các yếu tố văn hóa, lối sống lẫn trải nghiệm cá nhân, nay càng mỏng hơn nữa bởi nạn miệt thị ngoại hình ngày càng phổ biến và được một bộ phận xã hội ngầm chấp nhận.

Ở Việt Nam, body shaming từng nhiều lần diễn ra trên sóng truyền hình. Trong chương trình Người bí ẩn, các nghệ sĩ Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang thi nhau chê bai Puku. Họ đem nhan sắc của cô ra so sánh với Midu - bạn cùng chơi, sau đó đem đôi chân chưa được thon gọn của Puku ra làm trò đùa. Trấn Thành nói, chân nữ diễn viên hài không khác gì đàn ông, còn Trường Giang thì hỏi xoáy: "Hồi trước em đá cho câu lạc bộ nào vậy?".

Chiều cao của nghệ sĩ Việt Hương cũng là đề tài được các bạn diễn, từ Hoài Linh, Trấn Thành tới Trường Giang... đem ra đùa cợt, lấy tiếng cười của khán giả. Họ dùng cụm từ "lùn có một khúc" để nói về vóc dáng cô.

Trong một tiểu phẩm hài trên HTV, Trấn Thành ôm ca sĩ Hương Giang rồi thốt lên: "Toàn mùi silicon". Rất nhiều khán giả cho rằng, dùng câu này cho một người chuyển giới như Hương Giang là điều rất khó chấp nhận.

Nhà biên kịch Chu Thơm từng chia sẻ với VTC News: "Bám vào ngoại hình của người khác để lấy tiếng cười khán giả là một trò lố. Có lẽ, họ chẳng còn trò gì nữa thì mới dùng tới cách xúc phạm đồng nghiệp để mua vui. Nếu nói không quá, chỉ những nghệ sĩ thiếu tài mới pha trò bằng cách châm chọc ngoại hình đồng nghiệp".

Cái tát của Will Smith và lời cảnh tỉnh về nạn miệt thị ngoại hình - 3
"Tình yêu sẽ giúp bạn làm những điều điên rồ nhất", Will Smith chia sẻ.

Miệt thị ngoại hình về lâu dài dẫn tới sự tự ti, hay xa hơn là sang chấn tâm lý và làm nạn nhân mất đi quyền được hạnh phúc. Tạo hóa tạo ra 7 tỷ người, mỗi cá nhân là một bản thể cần được tôn trọng, thay vì bị đem ra làm trò đùa chỉ vì không phù hợp với một tiêu chuẩn nào đó.

Body shaming được nhắc đến nhiều, nhưng rồi lại bị quên đi, đến mức nó được sử dụng như một thủ thuật tạo sự hài hước ở sự kiện quy tụ giới tinh hoa của điện ảnh thế giới - Oscar. Và nếu không có hành động quá khích của Will Smith, câu đùa vô duyên, có phần tàn nhẫn của Chris Rock sẽ dễ dàng được bỏ qua bằng cái cười xòa, để rồi nạn body shaming tiếp tục được cổ vũ, dung túng.

Sau sự kiện này, có lẽ Chris Rock có lẽ sẽ phải nhìn lại và suy nghĩ rất kỹ về những lời mình đã nói, vì xét đến cùng, sự miệt thị ngoại hình mang tới cho nạn nhân cơn đau còn lớn hơn nhiều so với cái tát mà MC này phải nhận.

HỒNG NAM

Con trai Will Smith đang hẹn hò tình đồng giới hơn 7 tuổi Con trai Will Smith đang hẹn hò tình đồng giới hơn 7 tuổi
Will Smith hát ca khúc World Cup 2018 đầy thú vị Will Smith hát ca khúc World Cup 2018 đầy thú vị

/ vtc.vn