Các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao ý nghĩa của giải thưởng VinFuture trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và thế giới.
“Tôi rất vinh dự khi lần đầu tiên được tham gia cộng tác với giải thưởng VinFuture. Đây là giải thưởng rất có ý nghĩa”, Tiến sĩ Katalin Karikó đến từ công ty BioNTech, một trong những người phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside làm nền tảng cho việc phát triển vaccine mRNA phòng chống COVID-19, trả lời báo chí hôm 17/1. Bà sẽ tham dự các chương trình trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng về nghiên cứu khoa học công nghệ VinFuture lần thứ nhất.
“Tôi biết đến Việt Nam từ vài người bạn trong thời gian học tại Hungary. Khi làm việc ở Đại học Pennsylvania, tôi được cử tham gia dự án hợp tác của trường với tập đoàn Vingroup. Lần này qua giải thưởng tôi muốn truyền tải thông điệp đến các bạn trẻ về nuôi dưỡng đam mê khoa học, tận dụng những cơ hội của thời đại mới. Tôi cũng muốn giúp đỡ các bạn trẻ, các bạn nữ để họ phát triển hơn nữa”, bà nói thêm.
Các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao giải thưởng VinFuture. Từ trái sang phải: TS Katalin Karikó, TS Padmanabhan Anandan và GS Gerald Albert Mourou. |
Tiến sĩ Padmanabhan Anandan, Viện Trí tuệ nhân tạo Wadhwani, Ấn Độ, thành viên Hội đồng giải thưởng nhìn thấy nhiều tiềm năng khi Việt Nam có giải thưởng quốc tế hướng đến toàn cầu. “Ấn Độ cũng là nước đang phát triển và tôi thấy thật vui khi Việt Nam muốn trở thành điểm đến toàn cầu về khoa học", ông nói. "Khoa học là không biên giới và tôi nghĩ giải thưởng VinFuture sẽ tạo động lực thúc đẩy việc nghiên cứu nhiều hơn”.
Giáo sư Gerald Albert Mourou, Đại học École Polytechnique Palaiseau, Pháp, đồng thành viên hội đồng giải thưởng cho rằng, giải thưởng VinFuture khuyến khích lòng đam mê khoa học và sự phát triển của khoa học ở các quốc gia, góp phần thu hút sự quan tâm của giới khoa học và sinh viên. Ông nhận xét các đề cử năm nay đều có chất lượng rất tốt và trong số đó có những công trình nghiên cứu xuất sắc.
Sau một năm phát động, Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã hoàn tất thẩm định và thống nhất tôn vinh 4 công trình khoa học kiệt xuất, mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Chủ nhân các giải thưởng sẽ được công bố tại Lễ trao giải được tổ chức vào ngày 20/1 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bên cạnh đó, tuần lễ khoa học – công nghệ VinFuture tổ chức từ ngày 18 đến 21/1/2022.
Hội đồng Giám khảo đã nhận 599 dự án chất lượng từ hơn 60 quốc gia tại 6 châu lục trên khắp thế giới. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới và nhiều người trong số đó từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Giải Tang, Giải Japan Prize… Các dự án đã trải qua nhiều vòng xét duyệt bởi 12 thành viên của Hội đồng Sơ khảo và sau đó là 11 thành viên của Hội đồng Giải thưởng.
Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính:
- Ngày 18/1 là chương trình giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo.
- Ngày 19/1 là tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều GS hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.
- Ngày 20/1 là lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20h (Truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize).
- Ngày 21/1 giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.
Tuần lễ khoa học VinFuture còn nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như các workshop, triển lãm, bài giảng đại chúng… thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và công chúng.
Nhà khoa học Việt mong đợi gì từ Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên?
PGS.TS Chu Hoàng Hà kỳ vọng, Giải thưởng VinFuture sẽ góp phần mở rộng cây cầu kết nối khoa học toàn cầu. |