Đóng góp ý kiến về việc xây dựng dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng luật này là cấp thiết.
Theo Nghị quyết 13/NQ-CP (Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2022) được ban hành ngày 30/1/2022, Chính phủ thống nhất đổi tên dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật Đường bộ và đổi tên dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đóng góp ý kiến về việc xây dựng dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng luật này là cấp thiết.
TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT) cho biết, vấn đề xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được đề cập ở Việt Nam từ năm 2011, khi nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và trong Báo cáo Nghiên cứu quy hoạch tổng thể an toàn giao thông (ATGT) đường bộ tại nước CHXHCN Việt Nam đến năm 2020 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Theo đó, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực của Ủy ban ATGT Quốc gia trở thành một cơ quan quản lý an toàn giao thông bền vững tiến tới thành cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Song song với việc hình thành một số các phòng, ban chức năng của Ủy ban ATGT Quốc gia là việc xây dựng Luật An toàn giao thông đường bộ với việc luật hoá các chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban ATGT Quốc gia và địa phương, các chính sách phát triển… theo mô hình Luật An toàn giao thông của Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, không có mô hình chung về việc ban hành Luật An toàn giao thông đường bộ. Tùy theo thể chế và điều kiện của mỗi nước mà quy định các nội dung phù hợp. Đối với việc nghiên cứu xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam, theo TS. Lê Đỗ Mười là rất cần thiết trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm phát luật để đạt được mục tiêu xây dựng thể chế quản lý an toàn giao thông phù hợp, hiệu lực và hiệu quả.
Theo TS. Lê Đỗ Mười, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bao gồm nhiều lĩnh vực liên quan, từ kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, tổ chức giao thông, vận tải, người điều khiển phương tiện, các công tác tuyên truyền, giáo dục, thanh tra kiểm tra, xử phạt vi phạm, xử lý tai nạn giao thông (TNGT), đến công tác cấp cứu y tế TNGT. Nếu hoàn thiện toàn bộ các nội dung này quy định trong Luật Giao thông đường bộ là quá lớn, mặt khác cần nâng cao tính chuyên biệt, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, do đó việc xem xét tách luật là cần thiết.
Tuy nhiên, đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cũng cho rằng, việc xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cần bảo đảm trên quan điểm hoàn thiện hệ thống phát luật về trật tự, an toàn giao thông đầy đủ theo các lĩnh vực liên quan, việc phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương sẽ do Chính phủ giao. Đồng thời, cần rà soát, xem xét các nội dung của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ bảo đảm đầy đủ các khía cạnh, lĩnh vực liên quan, tránh chồng chéo với các luật khác.
Đóng góp cụ thể hơn về các điều khoản trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, TS. Trần Ngọc Hưng, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho hay, việc xây dựng Luật này là cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông. Đây là vấn đề có tính cấp thiết, nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật, TS. Trần Ngọc Hưng cũng đưa ra 10 kiến nghị cần xem xét. Trong đó, tại Điều 3 của Dự thảo Luật có đưa ra khái niệm, giải thích từ ngữ liên quan đến đường cao tốc, đường đô thị, đường phố, đường chuyên dùng…
Theo quy chuẩn Việt Nam, có khái niệm đường đô thị và đường ngoài đô thị, nhưng trong Dự thảo Luật chưa có đường ngoài đô thị. Tại Điều 9 của dự thảo có đưa ra giải thích về việc tuân thủ quy định khi đèn tín hiệu chuyển mầu: đỏ-vàng-xanh, tuy nhiên còn thiếu giải thích về các tín hiệu đèn mũi tên. Tại Điều 26 của Dự thảo Luật có quy định phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu. Tuy nhiên, khái niệm “trời tối”, “sương mù”, “thời tiết xấu” còn chung chung dẫn đến khó thi hành, tuân thủ và xử phạt hành chính nếu vi phạm.
Tại điều 40 của Dự thảo Luật có quy định chi tiết về tốc độ tối đa cho phép của xe cơ giới tham gia giao thông cho một số loại đường. Tuy nhiên, kiến nghị xem xét chỉ quy định theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước vì các điều kiện khai thác có thể thay đổi. Ngoài ra, cần bổ sung điều kiện “hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” vì ở một số tuyến đường đủ điều kiện khai thác với vận tốc tối đa như quy định của Điều 40 nhưng do một số lý do tạm thời phải hạn chế tốc độ… Với các nội dung trên, TS. Trần Ngọc Hưng kiến nghị cần làm rõ hơn trong Dự thảo Luật hoặc Nghị định hướng dẫn sau này.
Về phía Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT), TS. Đào Huy Hoàng cũng đưa ra nhiều lập luận sắc bén đóng góp cho việc xây dựng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo TS. Đào Huy Hoàng, hiện nay quy định công tác thẩm định, thẩm tra an toàn giao thông đường bộ còn chồng chéo, chưa nhất quán. Việc thực thi theo các văn bản quy định còn những điểm chưa phù hợp.
Do đó, khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và xây dựng mới Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì công tác thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông sẽ bị chi phối bởi cả 2 luật này để đảm bảo tốt hơn an ninh, trật tự trên đường, an toàn hơn cho người dân khi tham gia giao thông. Thẩm tra ATGT đường bộ một cách chuẩn mực sẽ góp phần giảm TNGT, nâng cao khả năng khai thác an toàn của tuyến đường được thẩm tra. Giảm tai nạn sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí liên quan đến tai nạn như chi phí bệnh viện, chi phí y tế, chi phí do mất thu nhập, chi phí sửa chữa…
Trên cơ sở đó, TS. Đào Huy Hoàng cũng đề xuất cần sớm triển khai công tác thẩm tra, thẩm định ATGT trên các trục huyết mạch như cao tốc Bắc Nam, QL1A, các tuyến đường trục chính khác nhằm giảm thiểu TNGT đường bộ.
Một trong những nội dung của Nghị quyết 13/NQ-CP yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an tiếp tục tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận cao; các chính sách cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự án Luật. Theo đó, cần đánh giá kỹ lưỡng, phân tích, giải trình thuyết phục về sự cần thiết của việc ban hành luật với đầy đủ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn; đánh giá kỹ tác động nhiều chiều, nhất là việc liên quan đến tổ chức, quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe; tiếp tục rà soát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Cần phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của 2 dự án Luật, không chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết những vướng mắc, bật cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực giao thông đường bộ; rà soát nội dung các dự án Luật, không quy định về tổ chức bộ máy trong dự án Luật.
Đặng Nhật
Thiết lập kỷ cương, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông |
Đồng bộ giao thông vùng Đông Nam Bộ |