Các nhà khoa học cảnh báo đến cuối tháng 7, ca tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ có thể tăng từ mức hơn 230.000 hiện nay lên hơn một triệu.
Thế giới đã ghi nhận 154.888.110 ca nhiễm nCoV và 3.234.710 ca tử vong, tăng lần lượt 819.577 và 13.983, trong khi 133.191.913 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Ấn Độ ở Bengaluru sử dụng mô hình toán học để dự đoán Ấn Độ có thể ghi nhận 404.000 ca tử vong vì nCoV đến ngày 11/6 nếu xu hướng hiện tại tiếp tục. Trong khi đó, một mô hình từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington dự báo Ấn Độ có thể ghi nhận 1.018.879 trường hợp tử vong vào cuối tháng 7.
"Giai đoạn 4-6 tuần tới sẽ rất khó khăn đối với Ấn Độ", Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, cho biết. "Thách thức là cần làm những việc để đảm bảo chúng ta có thể giảm thiểu mức độ tồi tệ của tình hình trong 4 tuần tới, không phải là 6 hoặc 8 tuần".
Bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ hôm 5/5. Ảnh: AFP. |
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 21.070.852 ca nhiễm và 230.151 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 412.618 và 3.982 ca.
Tình trạng thiếu vaccine đang cản trở nỗ lực tiêm chủng của Ấn Độ. Tuần trước, chính phủ nước này thông báo cho phép tiêm chủng cho những người từ 18 tuổi trở lên, nhưng chỉ có 12 trong 36 bang và vùng lãnh thổ Ấn Độ có đủ vaccine để triển khai.
Một số bệnh viện ở New Delhi tiếp tục từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu nguồn oxy y tế. Ấn Độ đã phải huy động sinh viên y khoa và nhân viên y tế của hải quân tới các bệnh viện trên khắp đất nước để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.
Biến thể nCoV từ Ấn Độ tiếp tục lây lan rộng ra thế giới, khi Iran và Kenya ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.315.190 ca nhiễm và 593.097 ca tử vong do nCoV, tăng 40.075 ca nhiễm và 691 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/5 đặt mục tiêu mới trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, trong đó 70% cư dân được tiêm ít nhất một liều trước ngày quốc khánh Mỹ 4/7, thêm rằng chính phủ sẽ bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em 12-15 tuổi càng sớm càng tốt. Mục tiêu này cũng tính tới khó khăn khi tiêm cho những người còn e ngại về vaccine.
Ông chủ Nhà Trắng trước đó coi 4/7 là thời điểm người Mỹ có thể tụ tập theo nhóm nhỏ để mừng quốc khánh và đưa xã hội dần trở lại bình thường. Biden cho biết chính quyền sẽ tập trung triển khai vaccine cho những vùng hẻo lánh, sử dụng các địa điểm nhỏ thay thế cho trung tâm tiêm chủng lớn.
Quan chức chính quyền Mỹ cho biết 105 triệu dân Mỹ đã tiêm đủ hai liều vaccine, trong khi 56% người trưởng thành, tương đương 147 triệu người, đã được tiêm ít nhất một liều.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.936.464 ca nhiễm và 414.645 ca tử vong, tăng lần lượt 75.652 và 2.791.
Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu mũi sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới. Với hợp đồng mới, Brazil sẽ có 200 triệu liều vaccine Pfizer để giảm bớt tình trạng thiếu vaccine của nước này.
Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai của Brazil, cuối tuần qua thông báo đang tạm dừng tiêm mũi thứ hai vaccine CoronaVac, loại vaccine do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất, vì hết nguồn cung. Chương trình tiêm chủng của Brazil cho tới nay phụ thuộc chủ yếu vào loại vaccine này.
Trong khi nhiều nơi đang thiếu vaccine, chương trình tiêm chủng tại Serbia đang bị đình trệ vì sự miễn cưỡng của công chúng. Nước này sẽ trả cho mỗi người dân 25 USD nếu họ tiêm vaccine trước cuối tháng. Khoảng 1,5 triệu trong số triệu dân của Serbia đã được tiêm phòng.
Serbia ghi nhận 695.875 ca nhiễm nCo và 6.478 người chết, tăng so với hôm trước lần lượt 1.402 và 22 ca.
Tại Đông Nam Á, Malaysia sẽ thắt chặt hạn chế phòng dịch ở thủ đô Kuala Lumpur từ 7/5 đến 20/5, bao gồm lệnh cấm các hoạt động xã hội, ăn uống trong nhà hàng và đi lại giữa các quận. Chỉ một số loại hình kinh doanh nhất định như siêu thị, trạm xăng và phòng khám y tế được phép hoạt động. Các quán ăn vẫn có thể mở cửa nhưng chỉ được bán đồ mang về.
Malaysia báo cáo 3.744 ca mới và 17 ca tử vong. Họ ghi nhận tổng cộng hơn 424.3000 ca nhiễm và gần 1.600 người chết.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.686.373 ca nhiễm, tăng 4.369, trong đó 46.137 người chết, tăng 188.
Indonesia hôm 3/5 ghi nhận các trường hợp mang biến chủng B.1.617 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và biến chủng nCoV nguồn gốc Nam Phi. "Hai ca nhiễm biến chủng Ấn Độ được phát hiện tại Jakarta, một người mang biến chủng Nam Phi được báo cáo ở Bali", Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho hay.
Indonesia hồi tháng trước đã ngừng cấp visa cho người nước ngoài từng đến Ấn Độ trong vòng 14 ngày.
Campuchia ghi nhận thêm 672 ca nhiễm nCoV và 3 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 16.971, trong đó 110 người đã tử vong. Dịch bùng phát và diễn biến phức tạp tại Campuchia từ tháng 2, bắt đầu từ cộng đồng người Trung Quốc nhập cư. Thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau đã trải qua 20 ngày phong tỏa.
Chính phủ Campuchia dự kiến chấm dứt biện pháp phong tỏa toàn diện từ ngày 6/5 và chỉ duy trì phong tỏa cục bộ một số địa bàn có mức lây nhiễm cao.
Giới chức đang trưng dụng trường học, nhà hàng tiệc cưới làm bệnh viện dã chiến nhằm giảm áp lực cho bệnh viện và hệ thống y tế Campuchia. Thủ tướng Hun Sen có thời điểm phải cảnh báo đất nước "bên bờ vực tử thần" vì Covid-19 và kêu gọi người dân tuân thủ khuyến cáo y tế.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)
Biến chủng nCoV Ấn Độ nguy cơ gây tử vong gấp 15 lần |
Y tá Ấn Độ: "Chưa bao giờ kinh khủng như bây giờ" |