Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine, khuyến cáo phải theo dõi sức khỏe người tiêm

Giới khoa học trên thế giới đặt hy vọng vào chiến lược tiêm kết hợp nhiều loại vaccine Covid-19 khác nhau sẽ giúp giải quyết các vấn đề thiếu vaccine, đồng thời có thể tạo miễn dịch tốt hơn.

Các hãng dược phẩm khác nhau trên khắp thế giới đã phát triển vaccine Covid-19 bằng những cách không giống nhau. Pfizer-BioNTech và Moderna tạo ra các vaccine sử dụng công nghệ mRNA, trong khi AstraZeneca cùng Đại học Oxford và Johnson & Johnson áp dụng công nghệ vector virus.

Hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng một loại vaccine cho mỗi người tiêm, nhưng điều này đang dần thay đổi, khi một số chuyên gia tin rằng việc chuyển đổi sang loại vaccine khác ở liều tiêm thứ hai có thể tăng cường khả năng miễn dịch và một số nghiên cứu y tế đang được tiến hành.

Một nghiên cứu của Anh về kết hợp vaccine cho thấy những người được tiêm Pfizer sau mũi AstraZeneca, hoặc ngược lại, có nhiều khả năng xuất hiện triệu chứng sau tiêm chủng nhẹ hoặc trung bình hơn so với khi được tiêm hai liều cùng loại.

Theo các nhà khoa học, có một số cơ sở để lập luận rằng việc tiêm hai vaccine Covid-19 khác nhau giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn so với tiêm cả hai liều từ một hãng. Đặc biệt, chiến lược này còn có thể bảo vệ mọi người tốt hơn trước các biến chủng virus mới.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm duy trì 2 mũi vaccine cùng loại, trường hợp không có vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 vaccine Pfizer thay thế song phải theo dõi sức khỏe.

Lý giải điều này, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng chiều 13/7 cho biết một số quốc gia châu Âu đã nghiên cứu tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca và mũi 2 tiêm vaccine Pfizer. Sở dĩ tiêm trộn như vậy vì lúc đầu họ nghĩ vaccine AstraZeneca không đáp ứng được các biến thể của virus, nên tiêm thay mũi 2 bằng vaccine Pfizer.

Bà Hồng cho biết thêm, Bộ Y tế đã làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức này cũng chưa khuyến cáo chính thức về việc tiêm trộn giữa các loại vacicne. Nhà sản xuất Pfizer cũng chưa khuyến cáo về tiêm trộn.

"Tham khảo các nghiên cứu đã có kết quả trên thế giới, Ủy ban tư vấn Việt Nam cho phép tiêm trộn vaccine song khuyến cáo phải theo dõi sức khỏe người tiêm", bà Hồng nhấn mạnh.

Bà Hồng cho biết hiện nay Việt Nam có 4 loại vaccine Covid-19 sẽ triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đầu tiên là vaccine AstraZeneca đã triển khai tiêm thời gian qua. Vaccine Pfizer trong tuần này sẽ được vận chuyển đến các khu vực để tiêm. Ngoài ra, còn có vaccine Moderna và sắp tới Sinopharm, Sputnik V.

Mỗi loại vaccine đều có hướng dẫn sử dụng khác nhau, về liều, cách thức pha, cách sử dụng để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các loại vaccine này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau từ 70% mũi một tăng lên 80 đến hơn 90% mũi hai, và đều ghi nhận các phản ứng phụ tương đương.

Phóng viên (T/h)

Nguồn gốc 105 triệu liều vaccine đã đước Việt Nam đặt mua và có cam kết hỗ trợ Nguồn gốc 105 triệu liều vaccine đã đước Việt Nam đặt mua và có cam kết hỗ trợ
Trung Quốc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi Trung Quốc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi
Thêm một triệu liều vaccine Covid-19 Nhật tặng sắp về Việt Nam Thêm một triệu liều vaccine Covid-19 Nhật tặng sắp về Việt Nam

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống