Bộ Tài chính lên tiếng về thuế “đội” giá xăng dầu

Sau khi liên tục “leo thang”, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 11/2 vừa qua đã chính thức vượt mốc 25.000 đồng/lít.

Đáng chú ý, trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu, dựa trên các mức thuế và giá bình quân của xăng A95 trên thế giới làm cơ sở tính điều chỉnh giá, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường đang chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng- chiếm khoảng 40% giá bán tới người tiêu dùng.

Bộ Tài chính lên tiếng về thuế “đội” giá xăng dầu -0

Xăng dầu không nằm trong nhóm mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng.

Việc thuế phí làm “đội” giá xăng dầu không mới và nó đã từng gây “sóng” dư luận vài lần trước đây. Tuy nhiên, lần này, khi giá xăng tăng cao kỷ lục, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế đã chịu quá nhiều khó khăn vì dịch bệnh và hiện tại, những khó khăn trước mặt vẫn còn tiếp diễn; trong khi mọi chính sách của Chính phủ đều hướng tới hỗ trợ người dân, thì việc giá xăng dầu tăng cao khiến cho mọi nỗ lực đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều ý kiến đều cho rằng cần sớm cân đối giảm thuế phí, nhằm hạ nhiệt giá xăng để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), để bình ổn giá xăng dầu, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt Quỹ Bình ổn giá thì cân nhắc giảm các loại thuế, phí. “Thuế phí nằm trong giá xăng dầu hiện nay là quá lớn. Một trong những biện pháp kìm giá tốt ở thời điểm hiện nay đó là nhà nước phải rà soát, xem xét lại, cần xem liệu có phí thuế chồng phí thuế không và cần điều chỉnh mức thuế phí hợp lý hơn để tránh sự tăng giá xăng dầu cao”, PGS.TS Phạm Tất Thắng đề nghị. Cùng quan điểm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tính toán về tổng thể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp vẫn dương, song quỹ này cũng có hạn.

Do đó, theo ông Đông, nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD một thùng sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước thì phải dùng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi, nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hoá một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.

Để trả lời dư luận, mới đây, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên tính ổn định tương đối cao, áp dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục theo kỳ 10 ngày 1 lần, biên độ điều chỉnh lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…; từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, về thuế- đây là cả quá trình”, ông Tuấn nói.

Theo đại diện Vụ Chính sách Thuế, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế gồm thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) và thuế bảo vệ môi trường. Hiện, thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) áp dụng với xăng là 20%, các loại dầu và nhiên liệu bay là 7%.

Tuy nhiên, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thuế với xăng dao động từ 8-8,8% tuỳ hiệp định, các mặt hàng dầu từ 0-7%. Hiện, xăng dầu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên thuế nhập khẩu với xăng cơ bản ở mức 8% và dầu 0%. Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu trên thị trường chỉ chiếm khoảng từ 20-30%, phần còn lại được cung ứng từ các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Với thuế giá trị gia tăng, xăng dầu chịu mức 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% với xăng, không thu với các loại dầu (thuế này với xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%); thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng/lít (xăng sinh học E5 và E10 thu với phần xăng gốc, không tính trên phần ethanol pha trộn), các loại dầu là 2.000 đồng/lít. Với các mức thuế như trên và giá bình quân của xăng A95 trên thế giới làm cơ sở tính điều chỉnh giá ngày 11/2 vừa qua, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng.

Như vậy, trong quy định giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng trong năm 2022, mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm loại trừ không áp dụng giảm thuế từ 10% xuống 8% theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, xăng dầu không áp dụng chính sách giảm thuế này.

Thực tế, để hỗ trợ ngành hàng không, thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay (nhiên liệu bay) đã giảm 30% trong năm 2021 và giảm 50% trong năm 2022, nên nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế này cho xăng dầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế, như vận tải khách đường bộ. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài giải pháp giảm thuế, phí, về lâu dài, cần tính toán, nhanh chóng chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường để thị trường quyết định.

Hà An

Chuyên gia: Điều hành giá xăng dầu không ổn Chuyên gia: Điều hành giá xăng dầu không ổn
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, xăng RON95 vượt 25.300 đồng/lít Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, xăng RON95 vượt 25.300 đồng/lít
Phan Thanh Hữu điều hành đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu như thế nào? Phan Thanh Hữu điều hành đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu như thế nào?
/ cand.com.vn