Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 mang biến thể Omicron tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Theo WHO, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy không gây bệnh nặng nhưng tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với chủng Delta.
Bộ Y tế cho biết, biến thể Omicron lây lan gấp 7 lần ở nhóm người chưa tiêm chủng và gấp 3 lần ở nhóm đã tiêm đủ 2 mũi. Với tốc độ lây lan mạnh, biến chủng sẽ tấn công vào nhóm chưa tiêm, quá tải hệ thống y tế, có thể gây bệnh nặng và tử vong.
Lây nhiễm và tử vong vẫn cao
Tính đến ngày 6/1, Việt Nam ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 mang biến thể Omicoron đều là người nhập cảnh, trong đó Hà Nội 1 ca, Quảng Nam 14 ca, TP Hồ Chí Minh 6 ca, Thanh Hóa 2 ca, Hải Dương và Hải Phòng đều 1 ca. Các ca bệnh này đều đã tiêm 2 mũi vaccine và không có triệu chứng. Tính đến nay, đã có ca bệnh ở Hà Nội ra viện sau 2 tuần điều trị, các ca bệnh ở TP Hồ Chí Minh đã âm tính… Hiện chưa ghi nhận những ca bệnh này lây lan cho người F1.
Bộ Y tế cho rằng thời gian tới, nguy cơ Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca mắc chủng Omicron từ người nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng rất lớn. Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron không gây bệnh nặng và tử vong cao như Delta, nhưng lại có tốc độ lây nhiễm mạnh hơn nhiều lần. Nếu không kiểm soát và phòng ngừa tốt, sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế.
Hiện nay, nhiều địa phương trong nước có số ca nhiễm COVID-19 tăng rất mạnh, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Định…Hà Nội đã vượt mốc 2.500 ca F0/ngày, là một trong 5 địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước; Hải Phòng có ngày cũng vượt mốc 1.700 ca…Theo báo cáo của CDC Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 60.192 ca COVID-19. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 (từ ngày 11/10 đến 5/1), TP có 55.885 ca mắc, trung bình 627 ca/ngày.
Hà Nội đang điều trị cho 35.547 F0, trong đó có 123 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và 215 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; 2.647 người đang điều trị tại các bệnh viện khác, 1.514 người điều trị tại cơ sở thu dung của TP và 5.256 người tại cơ sở thu dung quận/huyện. Thủ đô đang có 25.792 người cách ly, điều trị tại nhà. Tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi đến nay là 42.808 người.
Hà Nội đã ghi nhận 200 ca tử vong do COVID-19 (chiếm 0.3%), có ngày TP ghi nhận 10 F0 tử vong. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số hơn 4.100 F0 điều trị tại bệnh viện của Hà Nội có 2.152 F0 nhẹ không triệu chứng, 1.651 F0 ở mức trung bình và 385 F0 nặng, nguy kịch (312 F0 thở mask, gọng kính; 21 người thở HFNC; 13 người thở máy không xâm lấn; 36 người thở máy xâm lấn và 3 người phải lọc máu).
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do tỷ lệ bao phủ vaccine tại Hà Nội cao nên bệnh nhân COVID-19 đa phần là triệu chứng nhẹ, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong thấp; đa số tử vong là người cao tuổi chưa tiêm vaccine hoặc người mắc bệnh nền nặng. Tuy nhiên, với số ca mắc đang tăng cao như hiện nay, dự báo có thể lên tới 5.000-6.000 ca, nếu cộng thêm biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng, nguy cơ bùng dịch lớn xảy ra, sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, lúc đó tử vong sẽ tăng.
Triệu chứng nhẹ nhưng không thể chủ quan
F0 gia tăng nhanh chóng tại các địa phương, việc điều trị tại nhà được nhiều tỉnh triển khai, song với những nơi quá tải F0, hệ thống y tế cơ sở đã không đáp ứng kịp. Với mỗi ngày ghi nhận hơn 2.500 F0, Hà Nội đã cử thêm lực lượng tham gia quản lý F0 điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, nhiều F0 ở Hà Nội chuyển nặng phản ánh họ không liên lạc được với y tế địa phương, bất đắc dĩ phải liên hệ với bệnh viện nhưng bệnh viện không nhận vì quá tải; không được phát túi thuốc C. Khi F0 tăng cao bộc lộ sự lúng túng của y tế cơ sở ở Thủ đô.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trước nguy cơ này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động phòng, chống biến chủng Omicron; chủ động xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng đáp ứng với tình huống dịch trên địa bàn; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế. Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần tăng cường giám sát, quản lý trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của nhóm này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định. Khi phát hiện trường hợp mắc biến chủng Omicron, các tỉnh phải mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần và có liên quan ca bệnh, thực hiện cách ly y tế kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm trường hợp F1. Trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở y tế; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn nhưng không phải "chủng nhẹ"
Biến chủng Omicron dường như gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta vốn chiếm ưu thế trên toàn cầu, nhưng không nên ... |
F0 các tỉnh miền Bắc tiếp tục tăng, lo ngại biến chủng Omicron lan rộng
Trong 24h qua, số ca mắc ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Tây tiếp tục tăng, trong khi đó Bộ ... |