Tổng thống đắc cử Joe Biden điện đàm với người đứng đầu EU và NATO, trong nỗ lực phục hồi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Biden "nhấn mạnh cam kết làm sâu sắc hơn và phục hồi quan hệ Mỹ - EU", văn phòng của Tổng thống đắc cử thông báo sau khi ông điện đàm với bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) hôm 23/11.
Với giọng điệu khác hẳn Tổng thống Mỹ Donald Trump, người coi EU là "đối thủ" và cáo buộc EU lợi dụng thương mại với Mỹ, Biden bày tỏ hy vọng hai bên sẽ "hợp tác vượt qua thách thức chung".
Tổng thống đắc cử Joe Biden trả lời họp báo ở Wilmington, Delaware, hôm 16/11. Ảnh: AFP |
"Thật tuyệt khi được nói chuyện với Tổng thống đắc cử Joe Biden", Von der Leyen viết trên Twitter. "Đây là khởi đầu mới cho quan hệ đối tác toàn cầu EU - Mỹ... cùng nhau làm việc có thể định hình chương trình nghị sự toàn cầu dựa trên sự hợp tác, chủ nghĩa đa phương, đoàn kết và chia sẻ giá trị chung".
Giọng điệu lạc quan của bà Von der Leyen được coi là dấu hiệu nhẹ nhõm ở nhiều nước châu Âu, trước viễn cảnh quan hệ với Mỹ sẽ suôn sẻ hơn sau 4 năm mâu thuẫn và căng thẳng dưới thời Trump.
"Hãy tái thiết một liên minh Mỹ - EU vững mạnh", người đứng đầu Hội đầu châu Âu Charles Michel đăng trên Twitter, sau cuộc gọi với Biden, người mà ông đã mời "tham dự một cuộc họp đặc biệt ở Brussels vào năm tới" cùng các nguyên thủ quốc gia của 27 thành viên EU.
Biden đã trò chuyện song phương với hàng loạt lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson, những người đã gửi lời chúc mừng ông đắc cử dù Trump từ chối nhận thua trong cuộc bầu cử Mỹ.
Các nhà ngoại giao châu Âu đang trông đợi Biden bày tỏ lập trường về vấn đề Brexit, hay rộng hơn là ông mối quan hệ của Mỹ với EU thế nào khi so sánh với cái gọi là "mối quan hệ đặc biệt" Mỹ - Anh.
Cả Biden cũng như ngoại trưởng được đề cử Antony Blinken đều chỉ trích Brexit và bày tỏ lo ngại về tác động của nó tới hòa bình ở Ireland.
Michel cho hay ông cảm ơn Biden vì đã nhấn mạnh rằng Anh cần thực hiện đầy đủ thỏa thuận Brexit đã ký với EU năm ngoái.
Biden cũng trò chuyện với Jens Stoltenberg, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), về "cam kết lâu dài của Mỹ với NATO, bao gồm nguyên tắc cơ bản về phòng thủ tập thể theo Điều 5 của hiệp ước".
Điều 5 là điều khoản phòng thủ tập thể quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một thành viên NATO đều được coi là cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh và các thành viên sẽ hỗ trợ nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy ngay lập tức, điều mà Trump thường xuyên nghi ngờ khi chỉ trích NATO.
Chính quyền Trump ngày 23/11 gửi thư cho Biden, thông báo sẵn sàng khởi động quá trình chuyển giao quyền lực. Biden cũng đã công bố nhiều vị trí chủ chốt trong nội các tương lai, trong nỗ lực "tập hợp thế giới để đón nhận những thách thức không giống ai".
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Biden đối mặt lễ nhậm chức "vô tiền khoáng hậu" |
5 đặc quyền Biden nhận được trong quá trình chuyển giao |
Mỹ sắp có nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên |
"Tối hậu thư" khiến chính quyền Trump công nhận Biden |