Sau khi cung cấp hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 ra nước ngoài, Ấn Độ đột ngột thiếu nguồn cung vaccine do số ca nhiễm trong nước tăng vọt.
Hôm 15/4, số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày tại Ấn Độ lần đầu tiên lên đến mức 200.000, sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Vùng dịch lớn thứ hai thế giới hiện ghi nhận tổng cộng hơn 14,5 triệu ca nhiễm, trong đó gần 176.000 người đã tử vong. Vì vậy, chính quyền đang nỗ lực thúc đẩy công tác tiêm chủng bằng vaccine sản xuất trong nước.
Trước tình hình ngày càng trầm trọng, hệ thống bệnh viện quá tải, Ấn Độ thậm chí còn nhanh chóng thay đổi quy định để có thể nhập khẩu vaccine, dù trước đó từng khước từ vaccine ngoại. "Chúng tôi hy vọng và xin mời các nhà sản xuất vaccine Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và những hãng khác sẵn sàng đến Ấn Độ càng sớm càng tốt", Vinod Kumar Paul, quan chức y tế cấp cao của chính phủ, phát biểu hôm 13/4.
Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ nhập khẩu vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga từ tháng này để cung cấp cho 125 triệu dân. Tính đến tuần này, Ấn Độ đã sử dụng hơn 108 triệu liều vaccine.
Tình hình trớ trêu tại "cường quốc vaccine" của thế giới được cho là không chỉ cản trở cuộc chiến chống đại dịch ở nước này, mà còn ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng tại hơn 60 quốc gia thu nhập thấp hơn, chủ yếu thuộc châu Phi, trong vòng nhiều tháng.
Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất tại một bệnh viện ở Sri Lanka hôm 29/1. Ảnh: Reuters. |
Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 54,6 triệu liều vaccine Covid-19 và tặng hơn 10 triệu liều cho những quốc gia đối tác. Tuy nhiên, trong tháng này Ấn Độ mới xuất khẩu khoảng 1,2 triệu liều.
Một quan chức giấu tên am hiểu vấn đề cho biết số vaccine có sẵn tại Ấn Độ hiện nay sẽ được sử dụng trong nước do "tình huống khẩn cấp". "Không có cam kết nào với các nước khác", ông nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hợp đồng vaccine với quốc gia khác, tuần trước tuyên bố nhu cầu trong nước của Ấn Độ sẽ quyết định mức xuất khẩu vaccine.
Tình trạng thiếu hụt vaccine ngay lập tức đã được ghi nhận ở một số nước tham gia chương trình Covax, sáng kiến phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu GAVI, cùng Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI).
Một quan chức y tế Liên Hợp Quốc tham gia công tác triển khai vaccine Covid-19 ở châu Phi chỉ ra việc "quá phụ thuộc vào một nhà sản xuất vaccine là mối lo ngại lớn". John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, hồi đầu tháng cho hay sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển vaccine từ Ấn Độ có thể trở thành "thảm họa".
Theo các nguồn tin tham gia thảo luận về vấn đề, những sai lầm dẫn đến nguy cơ thiếu vaccine cho thế giới hiện nay bao gồm sự chậm trễ của Ấn Độ và Covax trong việc chốt đơn hàng, thiếu đầu tư vào sản xuất, thiếu nguyên liệu thô và việc đánh giá thấp nguy cơ Covid-19 trỗi dậy tại Ấn Độ.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã cam kết cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, với gần một nửa trong số đó vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, họ lại đối mặt áp lực từ việc đáp ứng nhu cầu của các nước khác như Anh, Canada và Arab Saudi, do các vấn đề sản xuất toàn cầu của hãng AstraZeneca.
Trong khi đó, Mỹ lại giới hạn nguồn cung những thiết bị chủ chốt và nguyên liệu thô cho các hãng vaccine trong nước, khiến hoạt động của SII bị hạn chế, làm chậm mục tiêu nâng sản lượng vaccine hàng tháng từ 70 triệu như hiện nay lên 100 triệu, một nguồn tin cho hay.
Sự do dự trong việc đặt hàng vaccine của chính phủ Ấn Độ cũng là một rào cản lớn đối với tham vọng của SII. Theo hai nguồn tin, chính phủ Ấn Độ đã mất nhiều tháng để thảo luận mức giá cuối cùng cho mỗi liều vaccine, chốt đơn hàng đầu tiên khoảng hai tuần sau khi cơ quan quản lý dược phẩm phê duyệt vaccine AstraZeneca. Có thời điểm SII không còn chỗ chứa những liều vaccine đã được sản xuất.
"Đây là lý do tôi quyết định không đóng gói quá 50 triệu liều mỗi lần, bởi biết rằng nếu chuẩn bị nhiều hơn, tôi sẽ phải tích trữ chúng trong nhà mình", giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla cho biết hồi tháng 1.
Một nguồn tin tiết lộ ngay cả bây giờ, chính phủ Ấn Độ vẫn chỉ mua vaccine từ SII khi có nhu cầu, thay vì thống nhất một lịch trình cung cấp vaccine dài hạn hơn. SII còn đề nghị chính phủ hỗ trợ hơn 400 triệu USD để tăng năng suất, nhưng chưa nhận được cam kết nào.
Về hoạt động hợp tác với Covax, một nguồn tin tham gia sáng kiến này cho biết Covax cũng không cho phép giao hàng của SII đến các nước, cho đến khi chúng được WHO "bật đèn xanh" hồi giữa tháng 2. Nếu không có sự chậm trễ này, SII được cho là có thể sản xuất thêm hàng chục triệu liều vaccine từ tháng 10 đến tháng 2.
Theo thỏa thuận với Ấn Độ, chương trình Covax sẽ mua hơn một tỷ liều từ SII và dự kiến nhận được 100 triệu liều vào tháng 5. Tuy nhiên, chương trình tới nay mới nhận được chưa đến 20 triệu liều. Bên cạnh đó, SII còn dự kiến chịu trách nhiệm sản xuất hàng triệu liều vaccine của hãng Novavax cho Covax.
Liên minh tiêm chủng toàn cầu Gavi từng bày tỏ hy vọng SII sẽ tiếp tục vận chuyển vaccine cho Covax trong tháng 5. Tuy nhiên, tổ chức này hôm 14/4 thừa nhận cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến quá trình này.
"Chúng tôi hiểu mức độ dữ dội của đại dịch ở Ấn Độ hiện nay, nhưng vẫn hy vọng và mong đợi những chuyến hàng sẽ được nối lại sớm nhất có thể", Gavi cho biết.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)
Ấn Độ chìm trong Covid-19 |
Hơn 200.000 ca Covid-19 trong ngày, Ấn Độ hỗn loạn |