Chủ quan của người dân cùng với sự nổi lên của biến thể nCoV mới là nguyên nhân khiến Ấn Độ chìm vào khủng hoảng.
Ấn Độ đã vượt Brazil, trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, với hơn 14 triệu ca nhiễm và hơn 173.000 trường hợp tử vong, theo thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ, hôm 15/4. Làn sóng thứ hai có tốc độ lây lan nhanh hơn so với đợt dịch đầu tiên hồi giữa năm ngoái, buộc nhiều bang áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.
"Chỉ trong 15 ngày, số ca Covid-19 nhập viện tại Tamil Nadu đã chạm mức đỉnh dịch trong đợt bùng phát thứ nhất. Nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn trong bang gần như hết chỗ", bác sĩ Kumar Senthil, chủ tịch hội đồng y tế bang Tamil Nadu, cho biết.
Ngoài những nơi được coi là thiết yếu như siêu thị, bệnh viện, ngân hàng và sàn chứng khoán, tất cả các địa điểm công cộng khác phải đóng cửa, theo lệnh của chính quyền bang Maharashtra. Mọi nhà máy và cơ sở công nghiệp phải ngừng hoạt động, ngoại trừ một số đơn vị xuất khẩu hoặc sản xuất thiết bị cho những dịch vụ thiết yếu.
Tiến sĩ Shashank Joshi, thành viên lực lượng đặc nhiệm Covid-19 Mumbai, cho biết: "Bệnh nhân đổ vào các cơ sở y tế như một cơn sóng thần. Chúng tôi thấy ngày càng nhiều người trẻ từ 20 đến 40 tuổi và cả trẻ em gặp triệu chứng nghiêm trọng. Sức chống đỡ của hệ thống y tế đang suy giảm".
Bang Maharashtra phải áp lệnh phong tỏa vào cuối tuần, trong khi thủ đô Delhi đặt giờ giới nghiêm. Tại một bệnh viện công ở thành phố Raipur, thi thể bệnh nhân Covid-19 nằm bên ngoài do không lường trước tình trạng có quá nhiều người chết. Ở thành phố Surat, số ca tử vong do Covid-19 nhiều tới nỗi nghi lễ hỏa táng phải được thực hiện ngoài trời.
Ngày 12/4, Kshitij Thakur, chính trị gia ở thành phố Vasai-Virar. bang Maharashtra, phải kêu gọi giúp đỡ trước tình trạng thiếu oxy khiến ba người thiệt mạng. "Nguồn cung chỉ đủ cho ba giờ. Chúng tôi đang có hơn 7.000 bệnh nhân và 3.000 người cần thở oxy mỗi ngày", ông cho biết.
Hơn 108 triệu người đã được tiêm phòng, con số này vẫn nhỏ so với quy mô dân số 1,3 tỷ của Ấn Độ. Ngày 13/4, Venugopal G Somani, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Dược phẩm Ấn Độ (DCGI), phải phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga để sử dụng vào tháng 5, đồng thời cấp phép cho vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Nhiều người Ấn Độ tin rằng dịch bệnh trong nước đã qua đi nhờ sức đề kháng tự nhiên và miễn dịch cộng đồng đạt được sau đợt dịch thứ nhất vào năm 2020. Vào tháng 1, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan tuyên bố quốc gia kiểm soát thành công Covid-19 và hủy hoàn toàn các biện pháp phong tỏa.
Lệnh hạn chế đối với việc tụ tập được dỡ bỏ khiến hàng triệu người tham gia lễ hội Kumbh Mela ở sông Hằng vào ngày 12/4. Cùng với đó là nhiều cuộc biểu tình diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn người không đeo khẩu trang, không giãn cách. Hậu quả là số ca Covid-19 tăng vọt.
Đa số đổ lỗi cho thái độ chủ quan, coi thường dịch bệnh là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng biến thể mới B.1.1.7 từ Anh góp phần làm Covid-19 diễn biến căng thẳng.
Gautam Menon, giáo sư vật lý và sinh học tại Đại học Ashoka, nhận xét: "Các ca mắc gia tăng nhanh chóng với tốc độ vượt xa đợt dịch đầu tiên. Đó là bằng chứng cho thấy biến thể có khả năng lây nhiễm mạnh hơn". Ông Menon cho biết, tại bang Maharashtra, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, 20% bệnh nhân nhiễm biến thể này.
Chính phủ cũng bị chỉ trích vì phản ứng chậm trong giải trình tự gene virus, để lọt lưới nhiều biến thể mới bắt nguồn từ Ấn Độ, cũng như các biến thể từ Anh và Brazil. Đơn cử như tại bang Punjab, nơi số ca Covid-19 mới tăng mạnh, 80% bệnh nhân nhiễm biến thể từ Anh.
Theo ông Menon, làn sóng dịch thứ hai là điều khó tránh khỏi. "Tuy nhiên, nếu làm tốt việc giải trình tự gene, ta đã có thể phát hiện sớm các biến thể và đưa ra cảnh báo kịp thời. Điều đó đáng nhẽ sẽ kìm hãm virus lây lan", giáo sư nhận định.
Lễ hội tắm sông Hằng ở thành phố Haridwar, Ấn Độ, ngày 12/4. Ảnh: AP. |
Hơn 200.000 ca Covid-19 trong ngày, Ấn Độ hỗn loạn
Ấn Độ báo cáo thêm 200.739 ca nhiễm nCoV trong 24 giờ qua, khi làn sóng Covid-19 khổng lồ thứ hai "tăng tốc" khiến nhiều ... |