Bán đảo Triều Tiên "nóng" trở lại sau vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng
Giới chuyên gia dự đoán, vụ việc nêu trên cho thấy tình hình tại bán đảo Triều Tiên có xu hướng nghiêng về đối đầu hơn là đối thoại trong năm 2022.
Bình Nhưỡng gia tăng áp lực
Yonhap dẫn thông tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã thực hiện một vụ phóng tên lửa về phía Đông vào khoảng 6h10 sáng 5/1 (giờ Việt Nam), từ một địa điểm tại tỉnh Jagang ở miền Bắc nước này và giáp với Trung Quốc. Tên lửa đã bay khoảng 500km trong vòng 10 phút trước khi rơi xuống vùng biển nằm ngoài Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Tin nhắn gửi tới báo giới của JCS nhấn mạnh: "Jagang là khu vực mà Bình Nhưỡng từng phóng tên lửa siêu thanh Hwasong-8 hồi tháng 9/2021. Giới chức tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành phân tích chi tiết về vụ phóng tên lửa này và duy trì trạng thái sẵn sàng đối phó với khả năng Bình Nhưỡng thực hiện thêm các vụ phóng khác”.
Về phía Nhật Bản, chính phủ đã triệu tập một cuộc họp khẩn ngay sau vụ phóng tên lửa. Thủ tướng Kishida Fumio gọi động thái của Triều Tiên là “điều đáng tiếc” và nước này đang khẩn trương thu thập, phân tích thông tin để cung cấp cho người dân một cách chính xác, đồng thời xác nhận kỹ lưỡng độ an toàn của các máy bay và tàu thuyền, chuẩn bị mọi phương án đề phòng trường hợp xấu. Hơn nữa, vấn đề này sẽ được bàn tới trong khuôn khổ cuộc đối thoại 2 + 2 giữa Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản vào ngày 7/1.
Theo Yonhap, đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2022, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẽ tăng cường năng lực quân sự quốc gia, trong khi năm cường quốc hạt nhân đồng thời là các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp) vừa ra tuyên bố chung về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang.
Tờ Busan Ilbo dẫn nhận định của giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng đã thể hiện ý định tăng cường tiềm lực quân sự trong phiên họp toàn thể cuối năm của đảng Lao động và vụ phóng tên lửa là tín hiệu cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có xu hướng gia tăng căng thẳng. Sau thời gian im lặng trước những lời kêu gọi đàm phán từ Mỹ và Hàn Quốc, việc phóng tên lửa có thể coi là một chiến lược của Triều Tiêu nhằm gia tăng áp lực với các bên liên quan, để chấp nhận họ là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân và xóa bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình vũ khí này.
Đặc biệt, vụ việc cũng giúp củng cố mặt trận đoàn kết trong nước trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên ngày càng trở nên khó khăn hơn do các biện pháp phong tỏa biên giới để phòng, chống dịch COVID-19.
Seoul không từ bỏ đối thoại
Vài giờ sau vụ phóng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đến thăm thành phố Goseong gần biên giới liên Triều để dự lễ động thổ tuyến đường sắt mới. Ông Moon gọi tuyến đường này là "bước đệm cho hòa bình và cân bằng khu vực" trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Moon cho biết, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng làm dấy lên lo ngại về tình hình căng thẳng của quan hệ liên Triều, đồng thời kêu gọi Triều Tiên đối thoại. "Chúng ta không nên từ bỏ hy vọng đối thoại để có thể khắc phục một cách căn bản tình trạng này. Nếu cả hai miền Triều Tiên cùng xây dựng lòng tin thì một ngày nào đó sẽ đạt được hòa bình".
Đồng quan điểm với Seoul, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Pricenhấn mạnh, Mỹ tiếp tục cam kết đối với việc đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và ngoại giao với Bình Nhưỡng. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách can dự với Triều Tiên thông qua một cách tiếp cận thực tế và có cân nhắc nhằm đạt được tiến triển, giúp cho việc tăng cường an ninh của Mỹ, các đồng minh và các lực lượng đã được triển khai của Mỹ.
Thời gian qua, Hàn Quốc và Mỹ đã tích cực thúc đẩy một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nhằm tạo đột phá ngoại giao với Triều Tiên. Nhưng trên thực tế, tiến trình này đã lâm vào bế tắc bởi khái niệm “phi hạt nhân hoá” được mỗi bên hiểu theo một cách khác nhau. Nhà nghiên cứu quốc tế Leif Eric Easley cho rằng, Bình Nhưỡng không quan tâm đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa để nhận được duy nhất lợi ích khi tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc như viện trợ nhân đạo.
Điều mà nước này muốn là Washington sẽ giải quyết các vấn đề cơ bản bao gồm nới lỏng các biện pháp trừng phạt và đảm bảo an ninh. Do đó, vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã một lần nữa cho thấy nỗ lực của các bên vẫn chưa đạt được điểm chung và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đi tới một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Linh Đan
Triều Tiên tuyên bố 'không bao giờ đối thoại' với Hàn Quốc |
Tổng thống Hàn Quốc muốn gặp lãnh đạo Triều Tiên trước khi ông Trump thăm Seoul |