Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM nói khoảng ba tuần nữa 230.000 lao động tự do ảnh hưởng bởi dịch sẽ nhận được tiền hỗ trợ.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố trả lời VnExpress về tiến độ thực hiện gói 886 tỷ đồng hỗ trợ người dân TP HCM gặp khó khăn do Covid-19.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn. Ảnh: Hà An. |
- Ông đánh giá thế nào về tác động của đợt dịch lần này với người lao động?
- Đợt dịch lần thứ 4 ở TP HCM diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh hơn các lần trước. Thành phố dù không ghi nhận những đợt cắt giảm lao động ồ ạt như đợt dịch trước, song nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ khó trụ được.
Người lao động ở các doanh nghiệp này đã khó khăn, đang gắng gượng nay càng thêm chới với. Số lao động mất việc ở đợt này khoảng 50.000 đến 60.000 người.
Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn nhất bởi họ chưa kịp phục hồi sau một năm nhiều biến động thì dịch khiến thành phố phải giãn cách. Nhiều người mất việc làm, không có bảo hiểm và tiền dự trữ nên cực kỳ khốn khó.
- Gói hỗ trợ người dân khó khăn đang được thành phố triển khai ra sao?
- Gói an sinh này triển khai từ tháng 7 và kết thúc trong tháng 8/2021. Sở đang tham mưu cho UBND thành phố để chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện nhanh nhất gói hỗ trợ, tiền đến đúng người thụ hưởng.
Trong 6 nhóm được hỗ trợ, 230.000 lao động tự do là những người buôn gánh bán bưng, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; người làm các công việc phải dừng vì giãn cách xã hội cần được đẩy nhanh hỗ trợ nhất vì họ đang gặp nhiều khó khăn.
Lần này sở đề xuất TP Thủ Đức và quận huyện giao quyền cho các chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm thống kê, ra quyết định hỗ trợ ngay cho nhóm này với hình thức chi tiền trực tiếp. Nếu địa phương đẩy nhanh tiến độ, khoảng ba tuần nữa nhóm lao động tự do có thể nhận tiền.
- Người lao động cần làm các thủ tục nào để sớm nhận hỗ trợ?
- Với lao động tự do, tổ dân phố, tổ trưởng sẽ lập danh sách gửi lên phường, xã. Tương tự, chủ các chủ cơ sở sẽ lập danh sách lao động làm việc tại các quán ăn, các điểm kinh doanh.
Sau khi có danh sách, phường, xã sẽ lập hội đồng xét duyệt gửi lên cấp trên. Trong hai ngày, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình chủ tịch quận, huyện, TP Thủ Đức phê duyệt và chuyển danh sách về địa phương. Ba ngày kể từ khi nhận danh sách, chính quyền sẽ chi tiền hỗ trợ cho người dân.
Đối với lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, chủ doanh nghiệp lập danh sách theo mẫu, gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội để đối chiếu, xác nhận đã đóng bảo hiểm đến thời điểm được hỗ trợ.
Những lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cần làm tờ khai, phô tô sổ bảo hiểm xã hội, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi mình thường trú.
Cơ quan bảo hiểm xác nhận rồi chuyển danh sách về Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Đơn vị này tập hợp danh sách của cả hai nhóm trên, trình cho chủ tịch quận, huyện, TP Thủ Đức ra quyết định chi trả.
Người dân gặp khó khăn bởi dịch nhận quà của các nhà hảo tâm tại UBND phường 9, quận Phú Nhuận, hồi tháng 4/2021. Ảnh: Nguyệt Nhi. |
Lao động sẽ nhận hỗ trợ qua chuyển khoản, người không có tài khoản mới nhận trực tiếp.
Năm trước, TP HCM đã chi gói hỗ trợ 612 tỷ đồng cho 590.000 người nên đã có kinh nghiệm. Lần này các khâu thủ tục sẽ nhanh hơn, không được đặt thêm bất kỳ thủ tục nào gây khó người dân.
- Gói hỗ trợ lần này khác lần trước ra sao?
- Hỗ trợ có thêm chế độ cho lao động nữ mang thai, người chăm sóc hoặc trực tiếp nuôi dưỡng trẻ dưới 6 tuổi. Mỗi trường hợp được hỗ trợ một triệu đồng.
Những hộ kinh doanh cá thể có mã số thuế được chi cục thuế quận, huyện xác nhận, nằm trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) và những nơi bị phong tỏa được nhận 2 triệu đồng.
Thành phố cũng giảm giá thuê mặt bằng cho tiểu thương ở các chợ truyền thống. Những người phải cách ly tập trung, những người làm công tác phòng chống dịch cũng được hỗ trợ lần này.
Gói hỗ trợ mang tính cấp bách, giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh nhóm mới cần hỗ trợ, sở sẽ đề nghị thành phố sử dụng các nguồn kinh phí khác giúp đỡ.
- Khi TP HCM thực hiện gói hỗ trợ thì Chính phủ đang triển khai gói 26.000 tỷ đồng giúp đỡ người dân trên cả nước. Người dân thành phố sẽ được nhận cả hai sự hỗ trợ này?
- Thành phố triển khai song song hai gói hỗ trợ nhưng người dân chỉ được nhận một suất có giá trị cao nhất. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cùng với chính quyền sẽ giám sát thực hiện để không bị trùng lặp, bỏ sót người cần giúp đỡ và lợi dụng chính sách làm mất ý nghĩa hỗ trợ.
Hôm 25/6, HĐND TP HCM thông qua gói hỗ trợ 886 tỷ đồng. Cụ thể, 230.000 lao động tự do mỗi người nhận 50.000 đồng/ngày tính theo thời gian Chỉ thị 15 áp dụng ở thành phố.
Khoảng 80.000 người bị tạm ngừng hợp đồng, nghỉ việc không lương mỗi người 1,8 triệu đồng. Lao động mang thai được hỗ trợ thêm một triệu đồng. Người nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm mỗi trẻ em một triệu đồng.
2.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1,8 triệu đồng mỗi người (hỗ trợ một lần). Phụ nữ mang thai được hỗ trợ thêm một triệu đồng mỗi người.
Các hộ kinh doanh ở quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12), những khu vực áp dụng Chỉ thị 16, phải dừng hoạt động được hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi hộ.
Thương nhân tại các chợ truyền thống có quầy sạp, mã số thuế, đóng thuế đầy đủ sẽ được hỗ trợ mức 150.000-300.000 đồng mỗi tháng, trong 6 tháng (từ tháng 7 đến hết 12 năm nay).
Ngoài ra, người dân bị cách ly tập trung được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng mỗi ngày. Người tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng mỗi ngày. Dự kiến có khoảng 20.000 người thuộc diện chi trả này.
Lê Tuyết
Hơn 100 hộ dân phải trả lại tiền hỗ trợ Covid-19 |
Lãnh đạo xã bị kỷ luật vì chi sai tiền hỗ trợ Covid-19 |