Sau thời gian dài mắc kẹt ở TP.HCM, nhiều người lâm cảnh khó khăn do dịch COVID-19, hôm nay họ được lên chuyến xe 0 đồng hồi hương với ánh mắt đượm buồm.
Tay xách nách mang, nhóm người chầm chậm bước lên xe ô tô rời TP.HCM trở về quê nhà dưới cơn mưa chiều đang sầm sập kéo đến.
4 tháng lay lắt trong phòng trọ
Xe chưa lăn bánh, ngồi ngay hàng ghế đầu với ánh mắt đượm buồn, A Quân và A Tơn (cùng 24 tuổi, là người đồng bào Gia Rai, tỉnh Kon Tum) không nghĩ rằng mình phải rời TP.HCM trong tình cảnh thế này. Gần 5 tháng trước, cả 2 rủ nhau xuống thành phố làm công nhân với niềm tin cố gắng làm lụng, tiết kiệm gửi tiền về quê nhà cho vợ con.
A Quân và A Tơn trên chuyến xe 0 đồng trở về quê sau 4 tháng không có việc làm. |
Ước mơ tưởng chừng giản đơn ấy bỗng chốc vụt tắt khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 kéo tới. Đầu tháng 7, dịch COVID-19 tại TP.HCM bùng phát mạnh, hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy đóng cửa, công ty của Quân và Tơn ở huyện Bình Chánh cũng chung số phận.
Cả 2 mất việc sau chưa đầy 1 tháng đi làm. Không tiền, không thực phẩm, không tương lai, áp lực tiền nhà trọ hàng ngày đè nặng lên đôi vai 2 chàng trai trẻ. "Lúc trước còn được hỗ trợ gạo nhưng rồi cũng hết, 2 đứa em ăn mì tôm suốt cả tháng", Tơn ngượng ngùng nói.
Thời điểm đó, Quân và Tơn đều mong muốn được trở về quê nhưng không được. TP.HCM đang trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt "ai ở đâu thì ở đó". Cả 2 đành trôn chân trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, tối tăm hờ hững đếm từng ngày trôi qua.
Mãi cho tới ngày 1/10, TP.HCM nới lõng giãn cách, dần trở về trạng thái bình thường mới, Quân với Tơn mừng rơi nước mắt khi hay tin nhóm thiện nguyện Nhất Tâm có chuyến xe đưa người dân về quê miễn phí. Ngay lập tức, 2 chàng trai trẻ đăng ký hồi hương và may mắn được chấp nhận.
"Hay tin được về quê, trời ơi nước mắt em tự dưng rơi lã chã, không kìm được. Nhưng giờ về được quê cũng buồn lắm vì không biết làm gì tới đây, ai thuê gì thì làm nấy, có thể đi cạo mủ cao su hoặc hái cà phê mướn", Quân nói về tương lai khi trở về nhà.
Bà Phan Thị Hạnh (48 tuổi, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) cũng là một trong số những người may mắn được về quê trên chuyến xe 0 đồng đợt này.
Do cuộc sống ở quê quá khó khăn, nên đầu tháng 5/2021 bà quyết rời gia đình xuống TP.HCM xin đi phụ quán ăn với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Rồi dịch bệnh ập đến, các quán ăn đóng cửa hết, bà lại lâm cảnh thất nghiệp. "Số tôi còn may mắn, mấy tháng qua được một người quen cưu mang, cho ở nhờ, lại hỗ trợ đồ ăn nên may không bị đói", bà Hạnh xúc động chia sẻ.
Những người dân hồi hương được sắp xếp chỗ ngồi trước khi xe di chuyển. |
Từ nhiều ngày trước, bà Hạnh muốn về quê nhưng không thành phố giãn cách, không có xe khách nào chạy. May nhờ qua Facebook, con gái bà biết được nhóm thiện nguyện Nhất Tâm có chuyến xe đưa người dân về quê miễn phí nên đã đăng kí cho bà. "Thôi thì về quê có gì ăn nấy, chứ ở lại cũng không biết làm gì. Tiền thì đã hết sạch từ lâu", bà Hạnh buồn bã nói.
Với bà Hạnh, về quê lúc này cũng sẽ lâm cảnh khó khăn, nhưng được gần con cái, gần người thân âu cũng là may mắn hơn bao người.
Giúp được gì cho bà con thì giúp
Dịch bệnh đã làm đảo lộn tất cả. Tương lai của Quân, Tơn, Mạnh và bà Hạnh vẫn còn mờ mịt, nhưng trước mắt, họ cảm thấy ấm áp tình người khi nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của những người xa lạ mà một lời cảm ơn sẽ chẳng bao giờ đủ. Chuyến xe 0 đồng giúp khoảng cách tới quê nhà càng gần hơn.
Anh Trần Thanh Long, trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm chia sẻ, những ngày qua, hàng chục ngàn người dân đã vượt hàng trăm, hàng ngàn km trên những chiệc xe máy, thậm chí đi bộ từ TP.HCM về quê. Nhiều người trong số đó có hoàn cảnh rất thương tâm. "Chính vì thế trong những lúc khó khăn như thế này mình giúp được gì cho bà con thì giúp. May mắn là trong quá trình di chuyển cũng được các tỉnh, thành hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất", anh Long nói.
Ngay thời điểm người dân ồ ạt rời TP.HCM về quê từ đầu tháng 10, nhóm của anh Long mỗi ngày nấu từ 3.000 - 4.000 phần xôi cùng nước uống phát cho bà con ăn uống dọc đường về quê.
Người dân xách hành lý lên chuyến xe 0 đồng trở về quê nhà. |
Từ khi triển khai chuyến xe 0 đồng từ ngày 6/10 đến nay, nhóm đã đưa được khoảng 300 người dân từ TP.HCM về các tỉnh ở miền Tây, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Bình quân mỗi ngày từ 5 - 7 chuyến. Quá trình di chuyển, người dân cũng được hỗ trợ đẩy đủ thức ăn, nước uống.
Theo anh Long, bà con khó khăn ở TP.HCM muốn trở về quê có thể đăng kí với nhóm qua Faceboook hoặc số điện thoại. Điều kiện để được nhóm hỗ trợ gồm những người đã tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine ít nhất 14 ngày, trẻ em dưới 18 tuổi phải có người lớn giám hộ, giấy test nhanh COVID-19 âm tính còn hiệu lực và địa phương có tiếp nhận người dân trở về.
Không chỉ triển khai chuyến xe 0 đồng đưa người dân về quê miễn phí, trong cao điểm của dịch cũng như hiện nay, nhóm của anh Long còn cung cấp máy thở, bình oxy cho bệnh nhân dương tính, cung cấp lương thực, khử khuẩn cục bộ và hỗ trợ chống dịch tại các địa phương. Đặc biệt, nhóm còn có đội xe cứu thương 24/7 và mai táng không đồng hỗ trợ bà con.
"Mình thấy việc thiện thì làm thôi. Nhóm sẽ hỗ trợ bà con tốt nhất có thể. Hiện nay cũng còn rất nhiều người đăng kí về quê nhưng xe chỉ có số lượng giới hạn nên cũng không đáp ứng hết nổi nhu cầu của bà con. Nhóm sẽ hỗ trợ cho đến khi xe khách giữa các tỉnh, thành được phép lưu thông. Còn những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bệnh, cấp cứu khi có nhu cầu về quê sau này vẫn sẽ được nhóm vận chuyển miễn phí", anh Long cho biết.
Thế Quang
Đà Nẵng tiếp tục giúp đỡ người dân về quê |
Các địa phương nỗ lực phòng, chống dịch từ dòng người tự phát về quê |