Thế giới năm qua bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19, trong khi cạnh tranh siêu cường, xung đột khu vực phức tạp, thiên tai thảm họa gia tăng.
Covid-19 bùng phát khắp thế giới
Từ những ca viêm phổi lạ ở Vũ Hán vào tháng 11/2019, Covid-19 lan nhanh ra toàn thế giới, đẩy cả nhân loại vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, khi toàn cầu đã ghi nhận hơn 77 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu người tử vong và con số chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Florida, Mỹ, hồi tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Đại dịch đang tàn phá nặng nề mọi khía cạnh đời sống con người, từ kinh tế, y tế, giáo dục đến những mối quan hệ xã hội, cách mà cộng đồng tương tác với nhau. Để kiềm chế đại dịch lây lan, hàng loạt quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, tạo nên nhiều "thành phố ma", nơi hàng triệu người chấp nhận cuộc sống trong 4 bức tường. Các doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm 4,4% trong năm 2020, theo IMF.
Mỹ và nhiều nước phương Tây căng thẳng với Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19 và yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế, trong khi Bắc Kinh nỗ lực phản bác, trong đó đưa ra khả năng nCoV đến nước này từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Các nước đã nỗ lực phát triển vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục, thắp lên hy vọng dập tắt dịch bệnh. Một số quốc gia đã tiến hành tiêm chủng diện rộng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nhân loại không bao giờ được lãng quên "cơn ác mộng" Covid-19, bởi những mầm bệnh nguy hiểm đang tiềm ẩn có thể đẩy thế giới vào tình huống tồi tệ hơn.
Mỹ bầu cử Tổng thống
Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bị nhấn chìm trong khủng hoảng do biểu tình sắc tộc, suy thoái kinh tế và Covid-19. Đại dịch cũng được đánh giá là nguyên nhân chính khiến không ít cử tri Mỹ quay lưng với Trump, do những phản ứng bị coi là chậm chạp và thiếu khoa học trong chiến lược chống dịch.
Hơn 150 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 3/11, nhưng đến ngày 7/11, truyền thông mới "xướng tên" Biden là người đắc cử, do các bang mất nhiều thời gian kiểm đếm số phiếu bầu vắng mặt cao chưa từng có vì Covid-19. Cả hai ứng viên đều lập kỷ lục về số phiếu phổ thông, trong đó Biden giành hơn 81 triệu phiếu, trong khi Trump cũng có hơn 74 triệu phiếu.
Donald Trump (trái) và Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống ở Ohio ngày 29/9. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, Trump kiên quyết không nhận thua, tiến hành chiến dịch pháp lý quy mô lớn với cáo buộc phe Dân chủ "đánh cắp cuộc bầu cử" bằng hành vi gian lận trên diện rộng nhưng không thành công. Ngay cả khi đại cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu bầu cho Biden với 306 phiếu, còn Trump chỉ được 232 phiếu, Tổng thống Mỹ vẫn ủng hộ nỗ lực "lật kèo" ở quốc hội nhằm đảo ngược kết quả, dù cơ hội thành công gần như không có.
Thái độ quyết không nhận thua của Trump đã khiến nước Mỹ thêm chia rẽ, đặt Biden trước thách thức lớn trong việc hàn gắn quốc gia, xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế. Ông cũng được kỳ vọng sẽ đưa Mỹ trở lại vai trò "anh cả" trên trường quốc tế với chính sách ngoại giao truyền thống, đề cao quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, chấm dứt chính sách "nước Mỹ trước tiên" nhiều hỗn loạn dưới thời Trump.
Quan hệ Mỹ - Trung bên bờ vực \'Chiến tranh Lạnh mới\'
Khi Mỹ - Trung đang bế tắc trong đàm phán thương mại, Covid-19 bùng phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến quan hệ giữa hai cường quốc xấu đi đến ngưỡng "Chiến tranh Lạnh mới". Lập trường cứng rắn với Trung Quốc cũng trở thành "chiêu bài tranh cử" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xử lý sai đại dịch, đe dọa trừng phạt, thậm chí cắt quan hệ. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington chính trị hóa cuộc khủng hoảng y tế nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách kiểm soát dịch yếu kém của chính quyền Trump.
Khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu Hong Kong hồi tháng 6, Mỹ đã phản ứng quyết liệt và tước ưu đãi thương mại với thành phố, cùng nhiều nước đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, đồng thời áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lãnh đạo và quan chức Hong Kong. Hai bên còn xung đột trong một loạt vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương hay công nghệ. Mỹ lần đầu tiên bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó cấm sử dụng TikTok, cùng đồng minh "tẩy chay" công nghệ 5G Trung Quốc. Căng thẳng lên cao trào khi hai nước ra lệnh đóng cửa tổng lãnh sự quán của nhau ở Houston và Thành Đô hồi tháng 7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters. |
Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Trump liên tiếp tung ra các lệnh trừng phạt nhắm vào quan chức, doanh nghiệp Trung Quốc. Joe Biden, tổng thống tiếp theo của Mỹ, được dự đoán sẽ tiếp tục chiến lược cứng rắn với Trung Quốc, dù không có những động thái quyết liệt khó lường như Trump, trong khi nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh hợp tác trên một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu.
Giới chuyên gia nhận định căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời Biden sẽ không suy giảm về quy mô và cường độ, mà chỉ chuyển từ chiến tranh thương mại sang xung đột về chính trị, khiến khó lường và bất trắc sẽ vẫn là tính chất chủ đạo trong quan hệ hai nước những năm tới. Mỹ - Trung sẽ tăng cường lôi kéo các nước vào vòng ảnh hưởng của mình trong cuộc cạnh tranh, tiếp tục đặt các quốc gia trước áp lực chọn phe ngày càng lớn.
Đụng độ ở biên giới Ấn - Trung
Căng thẳng âm ỉ tại khu vực tranh chấp Pangong Tso thuộc vùng Ladakh giữa Ấn Độ và Trung Quốc bùng phát thành cuộc ẩu đả đẫm máu bằng tay chân, gậy gộc hôm 15/6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ, trong đó có một đại tá tiểu đoàn trưởng, thiệt mạng. Phía Trung Quốc xác nhận có thương vong, song không công bố con số cụ thể. Đây là cuộc đụng độ gây chết người đầu tiên giữa hai nước sau nhiều thập kỷ, làm căng thẳng song phương gia tăng đáng kể.
Binh sĩ Trung Quốc (trái) và Ấn Độ (phải) trong một lần đối đầu tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) hồi tháng 5. Ảnh: ANI. |
Sau vụ ẩu đả, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều điều lượng lớn binh sĩ cùng khí tài hạng nặng tăng viện cho khu vực biên giới, khiến nhiều bên lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hai nước sau đó tổ chức nhiều cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, đồng ý ngừng điều thêm binh sĩ tới biên giới, nhưng vẫn duy trì lực lượng lớn ở khu vực tranh chấp, bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Ấn Độ và Trung Quốc gần đây triển khai các chiến dịch hậu cần quy mô lớn để đảm bảo khả năng sống sót cho binh sĩ trong mùa đông lạnh giá trên dãy Himalaya.
Vụ đụng độ cho thấy Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, đồng thời cũng khiến Ấn Độ thay đổi chính sách đối ngoại, tăng cường quan hệ với các nước trong nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.
Mỹ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani
Máy bay không người lái (UAV) Mỹ sáng 3/1 phóng tên lửa hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, khi ông và các chỉ huy dân quân Iraq vừa rời khỏi sân bay quốc tế Baghdad. Lầu Năm Góc cho biết chiến dịch được tiến hành theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump với lý do "ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai".
Vụ ám sát lập tức đẩy căng thẳng Mỹ - Iran lên cao tới ngưỡng chiến tranh, bởi Soleimani là một trong những lãnh đạo quân sự được trọng vọng nhất ở Iran, cũng là một trong những người quyền lực và bí ẩn nhất Trung Đông.
Tướng Soleimani trong một buổi lễ ở Tehran hồi năm 2016. Ảnh: AP |
Năm ngày sau, Iran trả đũa "chừng mực" bằng cách phóng ít nhất 15 tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq, khiến hơn 100 lính Mỹ bị chấn động não. Đòn đáp trả khiến Iran vừa xoa dịu làn sóng phẫn nộ trong nước, vừa không châm ngòi chiến tranh toàn diện với Mỹ. Căng thẳng lắng xuống khi Tổng thống Donald Trump cho rằng Tehran đã "xuống nước" và quyết định không hành động quân sự tiếp.
Tuy nhiên, trạng thái lo sợ bị Mỹ phản kích đã khiến lực lượng phòng không Iran phóng tên lửa bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine, khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng. Sự việc khiến Tehran hứng chịu nhiều chỉ trích và áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran được hóa giải, căng thẳng giữa hai quốc gia và khu vực Trung Đông vẫn tăng nhiệt sau các lệnh trừng phạt của Washington, cũng như các động thái bị cáo buộc là vi phạm thỏa thuận hạt nhân của Tehran, dù Mỹ là bên rút khỏi thỏa thuận trước. Tình hình có thể được cải thiện dưới thời chính quyền Biden, người từng tuyên bố sẽ tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Biểu tình sắc tộc bùng nổ ở Mỹ
Căng thẳng sắc tộc âm ỉ ở Mỹ bùng phát thành phong trào biểu tình quy mô lớn sau khi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì chết hồi cuối tháng 5. Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan khắp nước Mỹ, tạo thành phong trào "Black Lives Matter" (Mạng người da màu quan trọng) phản đối bạo lực của cảnh sát và phân biệt chủng tộc tại hơn 150 thành phố.
Từ các cuộc tuần hành hoà bình, phong trào biến thành bạo loạn, cướp bóc, thậm chí người biểu tình còn chiếm giữ nhiều khu phố, đồn cảnh sát, buộc Tổng thống Donald Trump triển khai Vệ binh Quốc gia để đối phó. Phản ứng cứng rắn của chính quyền Trump đã khiến phong trào sục sôi suốt nhiều tháng liền, một số thành phố phải điều chỉnh những quy định với cảnh sát và cải tổ lực lượng này.
Người biểu tình đốt đồn cảnh sát Phân khu Ba ở Minneapolis, bang Minnesota, tối 28/5. Ảnh: AP. |
Tác động của nó còn lan rộng toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn người tại Australia, Anh, Pháp, Đức... xuống đường thể hiện sự đoàn kết với người biểu tình ở Mỹ. Quy mô và mức độ của phong trào được cho là chưa từng thấy suốt nhiều thập kỷ, đưa "Black Lives Matter" trở thành từ khóa thịnh hành thứ hai trên Twitter năm qua, chỉ sau "đại dịch".
Nổ kho hóa chất ở cảng Beirut, Lebanon
Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8 rung chuyển sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, khiến gần 200 người chết và khoảng 6.500 người bị thương, gần một nửa thành phố bị san phẳng. Số amoni nitrat này được vận chuyển bằng tàu đến Beirut và lưu kho tại cảng suốt nhiều năm trong điều kiện không đảm bảo an toàn, bất chấp nhiều cảnh báo được phát ra.
Hiện trường cảng Beirut sau vụ nổ chiều 4/8. Ảnh: AP. |
Vụ nổ không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất với Lebanon, mà còn khiến chính trường nước này rung chuyển, khi người dân liên tục xuống đường biểu tình cáo buộc chính quyền quản lý yếu kém. Thủ tướng Hassan Diab và nhiều quan chức cấp cao phải từ chức, sau đó bị truy tố về tội sơ suất gây chết người.
Vụ nổ cũng khiến dư luận chú ý hơn vào quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản amoni nitrat trên thế giới. Amoni nitrat được dùng phổ biến làm phân bón, nhưng cũng là hóa chất thường được khủng bố sử dụng để chế bom, gây ra nhiều thảm kịch. Nhiều hãng vận tải biển đã thắt chặt quy trình chuyên chở, bảo quản amoni nitrat sau sự cố này.
Chiến sự Armenia - Azerbaijan bùng nổ
Tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan biến thành xung đột vũ trang hôm 27/9 và nhanh chóng leo thang thành chiến sự quy mô lớn, khiến hơn 5.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng. Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh, nơi có chủ yếu sắc dân là người gốc Armenia, sau cuộc chiến 1988-1994, trong khi Azerbaijan, với sự hậu thuẫn về chính trị và vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, quyết tâm giành lại vùng lãnh thổ này.
Lính Armenia pháo kích vị trí của Azerbaijan hồi tháng 10. Ảnh: AFP. |
Cục diện chiến trường nhanh chóng được định đoạt khi Azerbaijan triển khai máy bay không người lái (UAV) hiện đại mua của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Armenia, buộc họ phải chấp thuận ký thỏa thuận đình chiến do Nga làm trung gian hôm 9/11. Theo thỏa thuận, Armenia phải rút khỏi nhiều khu vực ở Nagorno-Karabakh, trong khi Nga triển khai lực lượng để gìn giữ hòa bình tại đây.
Xung đột Nagorno-Karabakh được thế giới chú ý do ý nghĩa quân sự lớn, cho thấy diện mạo của chiến tranh hiện đại, nơi các khí tài không người lái thống trị chiến trường, buộc quân đội các nước phải tìm cách khắc chế vũ khí lợi hại này. Nó còn thể hiện những thay đổi lớn về vị thế địa chính trị tại Kavkaz, khu vực từng được coi là "sân sau" của Nga, nhưng nước này đang suy giảm ảnh hưởng của mình trước sự cạnh tranh quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế giới năm 2020: Đại dịch COVID-19 đảo lộn tất cả
2020 được đánh giá là một năm đầy biến động với sự hoành hành của COVID-19, mùa bầu cử đầy tranh cãi của Mỹ và ... |
Năm 2020 sắp qua nhưng thế giới vẫn chưa hết biến động
Những biến động của năm 2020 dường như vẫn chưa qua giữa bối cảnh nhiều nước vẫn đang đối mặt với thiên tai, bão lũ, ... |