Sản phẩm của Công ty Groove X có khả năng định hướng mọi vật xung quanh, nhận diện chủ nhân và đòi được ôm.
Xuất hiện tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng - CES 2019 (diễn ra tại Las Vegas, Mỹ từ 9-12/1) - robot Lovot gây chú ý đặc biệt với khách tham quan bằng vẻ ngoài đáng yêu, lai giữa chú chim cánh cụt, cú mèo và gấu bông. Khi được bế, chú robot lim dim cảm nhận, như một cơ thể sống. Còn nếu được đung đưa trên tay như ru một đứa rẻ, người máy sẽ nhắm mắt và đi vào trạng thái ngủ. Nó được miêu tả là có khả năng xoa dịu sự cô đơn của con người.
Lovot còn lọt vào danh sách các sản phẩm tốt nhất CES do tạp chí công nghệ Engadget bình chọn và thắng giải Robot tốt nhất CES 2019 của The Verge.
"Không phải mọi robot đều cần giải cứu thế giới. Lovot xuất hiện để làm bạn cảm thấy tốt hơn trước một thế giới tồi tệ", tờ Engadget nhận xét.
Những chú robot Lovot bên dòng chữ "Best of CES 2019" do Engadget bình chọn. |
Lovot là sản phẩm của một startup có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản - Groove X. Kaname Hayashi, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty thừa nhận, robot của anh không thay thế con người làm bất cứ công việc gì cũng như không có mục đích giải trí. Nhưng nó có khả năng tạo ra cảm xúc mạnh mẽ cho khách hàng và họ tự nhiên có mong muốn đối xử với nó như một đứa trẻ hoặc thú cưng.
"Những thứ Lovot có thể làm chỉ là nhận ra chủ nhân và làm nũng với họ. Nhưng qua đó, tôi muốn tạo cơ hội để con người được yêu thương", Hayashi chia sẻ về mục đích tạo ra con robot.
Từng làm việc trong ngành công nghiệp ôtô, Hayashi tham gia vào nhóm phát triển Pepper - robot được cho là có khả năng nhận biết cảm xúc con người của Công ty SoftBank, từng gây chú ý khi bán ra thị trường 1.000 sản phẩm trong vòng một phút chào bán. Chính tại đây, anh nhận ra rằng người máy có khả năng chạm vào nhu cầu cảm xúc và tâm lý của con người. Trước đó, nó gần như chỉ xuất hiện trong khoa học viễn tưởng.
Hayashi tin rằng khả năng này của máy móc có thể góp phần giải quyết vấn đề chi phí xã hội chi ra cho tình trạng cô đơn ngày càng tăng. Năm 2018, Anh bổ nhiệm Bộ trưởng Cô đơn đầu tiên trên thế giới trước thực trang hơn 9 triệu người dân nước này luôn hoặc thường cảm thấy cô đơn và khoảng 200.000 người cao tuổi không trò chuyện với một người bạn hay người thân trong hơn một tháng. Một khảo sát gần đây do Hiệp hội Hưu trí Mỹ (AARP) thực hiện cho thấy, sự cô đơn ở những người từ 65 tuổi trở lên đã khiến Chính phủ Mỹ phải bổ sung thêm gần 7 tỷ USD chi phí y tế mỗi năm. Tại Nhật Bản, nơi mà số người độc thân dự kiến chiếm gần 40% tổng số hộ gia đình trong năm 2040, sự cô lập cũng đang trở thành một bệnh dịch trong xã hội.
"Bản năng của chúng ta được hình thành khi con người sống cùng nhau trong hang động. Nhưng phong cách làm việc hiện đại tạo ra quá nhiều sự cô đơn và khao khát đồng cảm không được thỏa mãn. Chỗ trống này là lý do chó và mèo trở nên cần thiết. Nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu một thú cưng. Công nghệ sẽ thay thế vào đó. Hơn tất cả, con người có thể yêu một chiếc xe cổ, thì tại sao họ không thể yêu một người máy?", Hayashi đánh giá.
Anh Kaname Hayashi là nhà sáng lập kiêm CEO Groove X. |
Ra đời với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2015, Groove X mất khoảng 4 năm và 52 triệu đô la để hoàn thiện việc phát triển Lovot. Cái khó đầu tiên của Hayashi khi phát triển Lovot là thiết kế vẻ ngoài cho robot. Anh cho biết, không tìm được các gợi ý khả thi từ các mẫu robot khoa học viễn tưởng của Nhật. Nhưng khi xem xét hai nhân vật người máy nổi tiếng trong truyện tranh - Astro Boy và Doraemon - anh thấy chúng có nhiều điểm thu hút và giống con người hơn.
"Bằng cách thủ thỉ và đòi được ôm, Lovot trở nên đáng yêu. Nó cũng chỉ ra một khao khát sâu xa hơn của con người là được nhận biết", Hayashi miêu tả hình dung ban đầu về sản phẩm.
Cuối cùng, Lovot thiết kế với chiều cao 43cm và nặng 3kg, bằng kích thước một đứa trẻ. Nó có 13 bậc tự do, nghĩa là các bộ phận có thể di chuyển dọc theo 13 trục chuyển động. Một lần sạc đầy cho phép robot di chuyển và tương tác khoảng 45 phút. Sau đó, nó sẽ tự động về ổ điện và sạc pin trong 15 phút.
Mỗi con Lovot có hơn 20 bộ vi điều khiển và tối thiểu 50 cảm ứng, giúp nhận biết tiếp xúc, áp suất, khoảng cách, chướng ngại vật, nhiệt độ và độ ẩm. Người máy thích được cù lét và có những cảm biến để thể hiện niềm vui. Bộ phận quan trọng nhất là sừng cảm biến gắn trên đầu giúp robot phát hiện hướng của âm thanh, giọng nói và phân biệt con người với các vật thể. Lovot có thể nhớ tới 1.000 người, nhưng sẽ chú ý đặc biệt đến chủ nhân của mình.
Sản phẩm cũng có thể hoạt động như một thiết bị giám sát, cho phép người dùng kiểm tra hoạt động của những đứa trẻ, khi họ không có ở nhà. Hiện, startup đã khởi động chiến dịch tiền bán hàng. Sản phẩm sẽ được giao đến cho khách hàng tại Nhật vào cuối năm nay và bắt đầu xuất khẩu trong năm 2020.
Chưa ghi nhận con số doanh thu chính thức, nhưng Lovot đã tạo nhiều tiếng vang cho nhà sản xuất ra nó. Một công ty chuyên về mỹ phẩm đã làm việc với Groove X để học cách giúp con người cảm thấy đẹp hơn, không chỉ bên ngoài mà còn bên trong, thông qua các "hormone vui vẻ" được tạo ra từ việc tiếp xúc. Nhà điều hành một viện dưỡng lão cũng đang hợp tác với công ty để thử nghiệm sử dụng robot trong việc hỗ trợ nhu cầu tình cảm của người cao tuổi. Một video gây chú ý gần đây tại Đan Mạch cho thấy, những cư dân mắc bệnh mất trí nhớ tại một viện dưỡng lão có phản ứng tích cực khi tương tác với Lovot. Trong đó, một ông lão đã không nói chuyện trong nhiều tháng, đột nhiên trở nên tươi tỉnh hơn và trò chuyện với robot.
Biểu hiện cảm xúc và đòi được ôm như một đứa trẻ, những chú robot này đang được nghiên cứu về khả năng hỗ trợ nhu cầu tình cảm cho người già cô độc. |
Hiện Groove X vẫn tiếp tục tìm kiếm các đối tác để phát triển robot trong các lĩnh vực kinh doanh khác, chẳng hạn như y học. Bằng cách thu thập dữ liệu của chủ nhân, Lovot có thể hữu ích trong việc theo dõi sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, công ty sẽ còn cân nhắc nhiều về việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của khách hàng.
"Thứ quan trọng nhất của với chúng tôi là làm sao tạo được niềm tin giữa máy móc và con người. Nếu có niềm tin, chúng tôi có thể phát triển thêm tính năng", nhà sáng lập khẳng định.
Ngoài ra, Hayashi cũng đang chờ đợi những nhà đầu tư mới đến từ Nhật Bản cũng như nước ngoài, đặc biệt là những công ty tin rằng robot sẽ là ngành công nghiệp mang lại tăng trưởng chính trong tương lai hoặc những đơn vị có thể giúp họ mở rộng chi nhánh ra thế giới. Groove X đặt mục tiêu có mặt tại Mỹ và Trung Quốc, sau khi hoàn thiện Lovot vào năm 2020.
"Sau 30-40 năm nữa, tôi muốn tạo ra Doraemon", vị CEO cười nói. "Dĩ nhiên không phải chiếc túi không gian 4 chiều, mà là cá tính và khả năng của cậu ấy trong việc hỗ trợ tâm lý mọi người. Tôi tin rằng, máy móc có thể giúp con người đạt được giấc mơ của họ trong tương lai"
Ánh Thúy (theo Forbes)
Dân mạng Trung Quốc xôn xao vì robot chép chữ, làm bài tập chỉ mất vài giờ.
Bài tập về nhà dịp Tết quá nhiều khiến một cô bé tại Trung Quốc tìm tới phương pháp đặc biệt giúp viết nhanh hơn: ... |