Startup mang ‘cơm mẹ nấu’ đến giới văn phòng

Khay cơm đủ dinh dưỡng, do các bà nội trợ nấu tại nhà được giao đến tay dân công sở Hà Nội, với giá từ 35.000 đồng một suất.

Fresh Deli chuyên làm ra những bữa cơm ngon, sạch do các bà nội trợ nấu tại nhà. Dự án của đôi bạn 9x Cấn Thị Thanh Hiền và Hoàng Minh Thành ra mắt tại Hà Nội vào tháng 9/2016.

Thời gian đầu, Minh Thành chưa có hướng giải quyết bài toán cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng, bà nội trợ và doanh nghiệp. Thiếu nguồn nhân lực, mẹ và bác ruột của anh phụ trách nấu cơm để Thành cùng các thành viên trong nhóm tận tay giao cho khách.

Sau gần một năm sau hoạt động, quy mô của dự án tăng gấp đôi. Từ hai thành viên sáng lập, tới nay, bộ máy điều hành gồm 5 thành viên 9x, cùng đội ngũ nhân viên bán thời gian và 20 bà nội trợ làm nhiệm vụ nấu cơm. Mỗi ngày, khoảng 80-100 suất cơm hộp được giao cho khách tại quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.

startup mang com me nau den gioi van phong
Suất cơm thông thường hàng ngày. Ảnh: F.D

Muốn thưởng thức “cơm mẹ nấu” tại văn phòng, khách hàng để lại thông tin gồm số lượng cơm, địa chỉ giao hàng, số điện thoại liên hệ và lưu ý đặc biệt (nếu có) trên fanpage của startup này.

Đơn hàng chốt vào 10h45 mỗi ngày và giao hàng 15 phút sau đó. Nhằm đảm bảo đội ngũ giao cơm ổn định và chuyên nghiệp, startup liên kết với các công ty vận chuyển với phí 10.000 mỗi địa chỉ.

Thực đơn gồm hai món mặn, hai món rau và hoa quả tráng miệng do Minh Thành cùng đội ngũ huấn luyện viên thể hình cá nhân xây dựng, được cập nhập hàng ngày qua fanpage. “Không có nhiều lựa chọn món, nhưng chúng tôi đảm bảo lượng đạm và tinh bột tiêu chuẩn trong mỗi món ăn được nấu”, Minh Thành cho biết.

Tùy khả năng, khách hàng chọn cơm cỡ vừa (giá 35.000 đồng) và cỡ lớn (giá 45.000 đồng). Startup miễn phí giao hàng với hóa đơn trên 300.000 đồng. Với mỗi suất cơm, đơn vị này trích 30% để duy trì hoạt động, bù đắp chi phí khuyến mãi cũng như mở rộng hoạt động ra TP HCM trong thời gian tới.

Để có được thành công bước đầu, từng thành viên trong nhóm nỗ lực không ngừng. Theo sát dự án từ giai đoạn ý tưởng, Cấn Thị Thanh Hiền mới tốt nghiệp đại học nhưng luôn dành thời gian trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân, để lựa chọn đội ngũ nội trợ phù hợp nhất.

Sau khi phỏng vấn, thử khả năng nấu nướng của các bà nội trợ, Hiền còn chú trọng vào vấn đề nguồn thực phẩm sử dụng để chế biến. "Hiện có 2-3 bà nội trợ có nguồn rau thịt tươi chuyển từ dưới quê lên đều là người nhà do nhân viên của startup giới thiệu. Với những bác không có nguồn cung thực phẩm sạch, chúng tôi thuyết phục mua hàng trong siêu thị và phải xuất trình hóa đơn mua bán”, Hiền cho biết.

Đơn vị này tạo điều kiện cho bà nội trợ và người về hưu có khả năng nấu nướng kiếm thêm thu nhập. Bà Trần Thị Xuân Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ngoài cơm cho gia đình, bà nấu thêm khoảng 10 suất cơm mỗi ngày để giao tới khách. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng, bà lãi hơn triệu đồng.

Ở độ tuổi 55, bà Lan nhanh nhẹn xếp từng miếng đậu vào hộp, kể: “Trước khi về hưu, làm vất vả quen rồi, nên giờ ở nhà không chịu được. Công việc này tuy vất nhưng tôi vui lắm. Mọi người có bữa ăn ngon giúp tôi cảm thấy có ích hơn”.

Đến nay, startup không còn gặp khó trong tìm nhân sự và nguồn tài chính như thời gian đầu thành lập. Fresh Deli còn nhận một số giải thưởng như “Dự án được yêu thích nhất” tại cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai 2017” và giải nhất hạng mục “Giai đoạn đầu của khởi nghiệp” trong cuộc thi do Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tổ chức.

Hiện startup sử dụng hộp đựng làm từ nhựa có thể chịu nhiệt tới 167 độ C, do đó không bị biến chất khi đựng thức ăn nóng. Đại diện công ty cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm loại bao bì không ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, không gây tác động xấu tới môi trường, khi đủ điều kiện về nhân lực và tài chính.

Từ nay đến cuối năm, startup kỳ vọng lượng đặt cơm hàng ngày tăng trưởng 10% qua mỗi tháng và lên 15% vào năm sau.

/ Lạc Thảo/Vnexpress.net)