Hàng loạt cửa hàng Starbucks từ sáng nay (18/10) treo biển dừng hoạt động vì "nguồn nước bị ô nhiễm".
"Với thông báo từ thành phố về nguồn nước bị ô nhiễm, cửa hàng sẽ đóng cửa, ngừng phục vụ khách", Starbucks nói trong thông báo được dán trước các cửa hàng trên phố Duy Tân, tòa nhà IPH (phố Xuân Thủy) và tòa nhà Seasons Avenue (Hà Đông)...
Starbucks Duy Tân - một trong những cơ sở ngừng hoạt động từ sáng 18/10. Ảnh: Anh Tú |
Trả lời qua điện thoại trưa 18/10, trung tâm chăm sóc khách hàng của thương hiệu này tại Việt Nam cho biết, 7 cửa hàng ở các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm phải đóng cửa. Nguồn tin này cho biết, hiện chưa rõ khi nào sẽ mở cửa trở lại vì còn tùy thuộc vào thông báo về tình hình nước sạch của Hà Nội.
Trong khi đó, các cửa hàng thuộc những chuỗi cà phê tên tuổi khác ở cùng khu vực vẫn hoạt động. Quản lý tại các cửa hàng này cho biết họ vẫn có nguồn nước riêng từ "nhà cung cấp".
Không chỉ Starbucks, nhiều hàng quán tại các khu vực đang sử dụng nước từ nhà máy Sông Đà cũng phải chật vật. Để không phải dừng hoạt động, một số đối phó bằng mua nước sạch để sử dụng. Anh Nghĩa chủ hàng phở tại một khu chung cư ở Linh Đàm chia sẻ, từ đầu tuần đã phải mua hàng trăm nghìn tiền nước đóng bình vì nước cấp từ đường ống có mùi không thể nấu ăn được.
Một chuỗi nhà hàng thịt trâu có cơ sở tại Hoàng Đạo Thúy và Hà Đông cũng phải liên tục mua bình nước loại 20 lít về sử dụng. Hai hôm trước, nhà hàng này phải huy động nhân viên làm việc tới đêm để đưa nước vào kho dự trữ.
Vài ngày gần đây, nước đóng chai là mặt hàng các siêu thị, tạp hóa ở Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai... bán chạy nhất và phải nhập hàng liên tục. Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, siêu thị BigC cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp để giảm giá nước đóng chai từ 10-30%. Trong khi đó, Vinmart cũng đưa ra chương trình khuyến mại nước đóng chai. Tuy nhiên, hôm qua, một số siêu thị vẫn lúc "cháy" hàng khi không còn một chai nước loại lớn nào trên kệ.
Nhân viên nhập nước đóng chai vào một siêu thị ở Nam Từ Liêm sáng 18/10. Ảnh: Anh Tú |
Vài ngày trước, tại một số khu vực, giá bình nước 20 lít tăng gấp 2-3 lần ngày thường, thậm chí có nơi lên đến 60.000 một bình, do các đại lý, cửa hàng tự tăng khi thấy nhu cầu lên cao.
Do đó, từ đầu tuần, Tổng cục quản lý thị trường đã yêu cầu quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý nước đóng chai, nhằm trục lợi, làm lũng đoạn thị trường.
Từ ngày 10/10, người dân ở một số quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... phản ánh hiện tượng nước sông Đà có mùi lạ. Kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường.
Hà Nội cũng khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".
Anh Tú
Nước sạch Hà Nội ai lo?
Câu chuyện nước sạch ở Hà Nội cho thấy sự cần thiết bổ sung quy định pháp lý về trách nhiệm của chính quyền địa ... |
Thị trường nước đóng chai rục rịch tăng giá vì thiếu nước sạch?
Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước Sông Đà, nhiều gia đình ở Hà Nội đã phải chấp nhận đi mua nước cho dù rất ... |
Đối tượng đổ trộm dầu thải vào nước sạch có thể đối diện mức án nào?
Theo Điều 235, Bộ Luật Hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường, khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 ... |
Mùi khủng khiếp ở đồi Mông, nơi xả thải xuống nhà máy nước sông Đà
Con suối đổ về hồ Đầm Bài (Hòa Bình) đang được nạo vét, thu dọn, xử lý dầu thải. Lòng suối còn rõ mùi khét, ... |