Đối tượng đổ trộm dầu thải vào nước sạch có thể đối diện mức án nào?

Theo Điều 235, Bộ Luật Hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường, khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

Dầu thải tràn vào nguồn nước sinh hoạt của người dân. Ảnh NH

 

Như Lao Động đã thông tin, ngày 17.10, UBND tỉnh Hòa Bình có báo cáo kết quả kiểm tra, làm rõ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sông Đà.

Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sông Đà gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho nhà máy nước, công an tỉnh đang khẩn trương và tích cực điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ đổ dầu thải nói trên.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16.10.2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự.

Chiều 17.10, trao đổi với phóng viên Lao Động, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết hành vi đổ trộm dầu thải vào nước là hành vi xâm phạm tới an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân. Bước đầu, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự theo Điều 235, Bộ Luật Hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường.

Theo luật sư Huế, để xác định được cụ thể hành vi vi phạm sẽ phải xác định được chất đổ ra môi trường là chất gì, chất này có nằm trong danh mục Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hay không.

Thứ hai, cơ quan điều tra sẽ xác định chất thải này khối lượng là bao nhiêu. Thứ ba là cần xem xét về thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, sức khỏe của người dân do sự việc trên. Từ những hành vi như vậy mới có thể quy chiếu được lỗi cụ thể của đối tượng thực hiện việc đổ dầu thải ra môi trường.

LS Nguyễn Danh Huế.

Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, theo Khoản 3, Điều 235, Bộ Luật Hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường, khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

"Đây chỉ là việc điều tra ban đầu. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra có thể xem xét tới những chủ thể khác như doanh nghiệp cung cấp nước, cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm trong vụ việc này" - luật sư Huế nói.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định trong vụ việc này, cả người đổ dầu thải ở đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường lẫn đơn vị cung cấp nước sạch đều phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của những người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

LS Đặng Văn Cường.

“Theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật hình sự, đối với những người đổ trộm chất thải nguy hại vào đầu nguồn nước, hành vi này làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính đến một tỷ đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù” – luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, trường hợp công ty cấp nước sạch xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn bán cho người dân thì cần xử lý theo quy định pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật lãnh đạo, xử phạt hành chính công ty hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 

 

 

/ laodong.vn