Từng có thời gian được kỳ vọng là “con hổ” tiếp theo về kinh tế và phát triển ở châu Á, Sri Lanka - quốc gia vốn sở hữu vị trí chiến lược trên các tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế, cùng tiềm năng mạnh mẽ về du lịch - vừa bất ngờ tuyên bố vỡ nợ. Đây không chỉ là cú sốc đối với nền kinh tế Sri Lanka, mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với toàn cầu.
Trong thông báo đưa ra hôm 12-4, chính phủ Sri Lanka cho biết đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, đồng thời tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc là những chủ nợ hàng đầu của quốc gia Nam Á này. Trong số 51 tỷ USD nói trên, Sri Lanka phải thanh toán 4 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm 2022, gồm 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7.
Theo thống kê, kể từ khi lực lượng vũ trang đòi ly khai Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) bị tiêu diệt năm 2009, du lịch đã trở thành ngành trọng điểm của Sri Lanka, đóng góp 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 5 của đất nước này. Trong giai đoạn 2009-2021, doanh thu từ du lịch của Sri Lanka đạt trung bình 178 triệu USD/năm, chạm mức cao nhất 475 triệu USD vào tháng 12-2018. Từ đầu thập niên 2000, Sri Lanka bắt đầu phát triển các ngành chế biến lương thực, dệt may, viễn thông. Doanh thu từ xuất khẩu hàng dệt may của Sri Lanka năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD. Ngành trồng chè mang về nguồn thu 1,3 tỷ USD trong năm 2021.
Các nhà phân tích cho rằng, nguồn cơn của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka bắt đầu từ cuộc tấn công khủng bố tháng 4-2019 tại Thủ đô Colombo. Một loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào 3 nhà thờ đông người và 3 khách sạn khiến 279 người chết, trong đó ít nhất 45 người nước ngoài, cùng hơn 500 người bị thương. Vụ tấn công đẫm máu này khiến ngành Du lịch lao dốc. Ngay sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, làm cạn kiệt nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của Sri Lanka. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ nền kinh tế yếu kém, chi tiêu của chính phủ ở mức cao cùng việc cắt giảm thuế từ 15% xuống còn 8%, bãi bỏ 7 loại thuế khiến nguồn thu của nhà nước bị thâm hụt… cũng kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền.
Dự trữ ngoại hối giảm 70% trong 2 năm qua và chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD, tính đến cuối tháng 3-2022 khiến Sri Lanka gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm và nhiên liệu. Nhiều người đã phải xếp hàng dài để mua thực phẩm và dầu ăn, trong khi chính phủ Sri Lanka phải áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên 13 giờ/ngày trên toàn quốc hay phát hành tem phiếu với sữa bột, đường, đậu lăng và gạo.
Trong nỗ lực giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, năm 2021, Sri Lanka ra lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp, tiến tới trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thuần hữu cơ. Quốc gia này tự tin sẽ tiết kiệm khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, chính sách này đã gây sụt giảm nghiêm trọng sản lượng các mặt hàng chủ lực như lá trà, quế, tiêu…, tăng thâm hụt gạo - vốn là lương thực chính.
Đánh giá về tình hình tại Sri Lanka, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc quốc gia này vỡ nợ không phải là điều bất ngờ. Đại dịch Covid-19 khiến nợ toàn cầu lên tới mức cao nhất trong vòng 50 năm. WB dự báo, 12 quốc gia đang phát triển có khả năng vỡ nợ trong thời gian tới nếu tình hình không được cải thiện. Trường hợp Sri Lanka là một tiếng chuông cảnh báo cho nền kinh tế thế giới, nhất là khi cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra những tác động tiêu cực cộng hưởng với hậu quả của đại dịch.