Dịch sốt xuất huyết đang ngày càng phức tạp. Nếu thấy những dấu hiệu cảm thấy người kích thích vật vã, đau bụng, chảy máu chân răng... phải đi bệnh viện ngay.
Thông thường, khi sốt cao 39-40 độ sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân, người dân cần đến BV làm xét nghiệm để loại trừ sốt xuất huyết.
Nữ bệnh nhân 43 tuổi bị biến chứng viêm cơ tim sau mắc sốt xuất huyết, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ |
Đặc biệt, nếu kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp, nhức mắt thì càng cần phải đi khám, bởi đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết.
Hiện nay, test sốt xuất huyết đã được phổ cập đến tận tuyến huyện. Chỉ khi kiểm tra không phải sốt xuất huyết mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt virus, sốt viêm họng...
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng cần nhập viện. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, hiện mỗi ngày khám 600-800 bệnh nhân sốt xuất huyết, số nhập viện chỉ chiếm 7-9% song BV vẫn đang quá tải.
Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu nhiều. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất, đa phần bệnh nhân vẫn có thể điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám theo hẹn.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, nhiều người bệnh cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng, cần được theo dõi. Nguy hiểm nhất là biến chứng sốc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng...
TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ lưu ý, khi có 5 dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng dưới đây thì người dân cần đến ngay BV:
- Tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì
- Nôn tăng
- Tự dưng kêu đau bụng hoặc tăng cảm giác đau
- Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn
- Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam...
Khi đến BV, BS sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm.
Tiến sĩ Huy cũng lưu ý, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt. Nếu cần thiết phải truyền, BS sẽ có chỉ định với sự theo dõi sát sao của điều dưỡng về tốc độ truyền để tránh nguy cơ gây sốc.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Khi sốt cao, chỉ dùng paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn. Tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì thể gây xuất huyết, toan máu.
Trong giai đoạn 7-10 ngày mắc sốt xuất huyết, người bệnh tốt nhất nên uống oresol; uống nhiều nước hoa quả, nước dừa, nước rau và nước lọc.