‘Sông Hồng thở than’

Tôi đứng trên tầng 16 của tòa nhà số 3 Lương Yên, chụp một bức ảnh ven đê sông Hồng. Tôi rất muốn các lãnh đạo Thủ đô nhìn thấy cảnh này. 

 

Tôi đứng trên tầng 16 của tòa nhà số 3 Lương Yên, chụp một bức ảnh ven đê sông Hồng. Tôi rất muốn các lãnh đạo Thủ đô nhìn thấy cảnh này.

Không biết gọi là gì, ven đê đông đúc như một phường dân cư vô tổ chức. Nhà liền nhà, tôi căng mắt cũng không nhìn ra nổi một con ngõ như bài ca đáng yêu "ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó" (Nhạc sĩ Lê Vinh). Tôi nhìn kỹ lại, chỉ thấy nhà này ken sát nhà khác, có nhà tầng trên còn nhô hẳn ra ngoài, không sao nhận ra một lối nào mà chiếc xe hơi có thể đi vào.

Tôi tự hỏi, những người dân ấy trước kia họ ở đâu, có khi từ một vùng đất rộng rãi tràn đầy không khí và ánh sáng, vậy mà cố có được một ngôi nhà ở Hà Nội. Tôi biết nhiều người, nhà cửa rộng rãi thoáng mát ở tỉnh, cũng cố tìm cách mua nhà Hà Nội. Trước mắt là cho con cái về học, rồi họ tính sẽ dọn về Thủ đô với con sau khi về hưu.

Do điều kiện công tác, tôi đã có dịp đi qua hơn 30 thủ đô các nước. Ít nơi đâu có những hàng cây che bóng đẹp như nhiều đường phố Hà Nội và cũng ít nơi đâu có nhiều hồ giữa lòng thành phố dễ thương như Thủ đô ta. Nhưng câu chuyện ngõ nhỏ, phố nhỏ chật hẹp, nhà cửa lộn xộn, không theo phong cách kiến trúc gì, và quan trọng là khiến đời sống người dân rất khó khăn như thực trạng ven sông Hồng thì quả thật tôi chưa có dịp nhìn thấy.

Những người sống sát sông Hồng bây giờ hoàn toàn yên tâm, không còn lo chạy lũ như trước, vì đã có thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La. Nhưng ngõ nhỏ, phố nhỏ thì dù nhìn kỹ vào bức ảnh cũng không sao trông thấy. Tôi đọc trên một báo, có đồng chí lãnh đạo than thở: "Từ trên máy bay nhìn xuống ven sông Hồng sát Thủ đô, có cảm giác hình như ai đó từ trên trời vung xuống một nắm sỏi đá lộn xộn". Sau này tôi lại nghe một nhà chức trách hỏi: "Ai đó đã băm nát Thủ đô rồi?".

Tôi chợt nghĩ giả dụ như mình ở đấy thì làm sao bạn bè có thể tìm được nhà mà đến chơi, ông đưa báo làm sao có thể giao báo hàng sáng? Lại nghĩ đến các vụ cháy nổ không thể nào không bao giờ xảy đến, khi đó xe cứu hỏa làm sao len vào nổi? Đám cháy lan ra thì nhân dân ở đấy có cách gì chống đỡ không? Rồi làm sao khi cần cấp cứu bệnh nhân, xe cứu thương có cách gì vào được? Chắc phải cho lên cáng rồi chạy bộ thôi.

Tôi nhớ lại hình ảnh gặp ở Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Anh Moong Văn Nghệ - chủ tịch Huyện đang dẫn tôi đi thăm quan, bỗng thấy một đám đông chạy nháo nhào như chạy cướp. Hóa ra đồng bào Khơ Mú ở đây hễ thấy ai cần cấp cứu vì sốt rét ác tính thì cùng đổ xô ra để đưa đi cấp cứu. Hai thanh niên cáng bệnh nhân chạy rất nhanh. Mệt thì đặt xuống và có hai thanh niên khác vội vã tiếp sức. Đấy là cấp cứu ở Kỳ Sơn, còn ở "ngõ nhỏ, phố nhỏ" Hà Nội, cảnh tượng này xảy ra được không? Lại còn hàng nghìn trẻ em sống ở đây, nếu có trường đón trẻ bằng xe buýt thì biết đón em chỗ nào? Hơn nữa, các em đi học về chẳng nhẽ chỉ quanh quẩn trong các bức tường hẹp, không còn mảnh đất nào để tụ tập vui chơi, dù chỉ là một sân bóng nhỏ bé?

Không riêng gì ven sông Hồng, cả Hà Nội đang ngày càng biến dạng và ngày càng thách thức với tình trạng kẹt xe vì thiếu bàn tay quy hoạch giỏi. Hình như các ông chủ bất động sản thấy bất kỳ chỗ đất vàng nào là vội vã dựng các khu nhà cao tầng ngay. Bây giờ ai đi qua khu vực khách sạn Daewoo và tòa cao ốc Lotte sẽ đều nghĩ, khi mọi người đều đã đến ở trong mấy dãy các toà nhà cao tầng mới xây ngay sát đó thì sao nhỉ? Những căn hộ ở khu vực này đều có giá rất cao và chắc rằng không ít cư dân ở đây đều có ô tô riêng, buổi sáng sẽ ra sao với hàng chục nghìn ô tô, xe máy cùng đổ ra đường? Các nhà quản lý Thủ đô nghĩ đến chuyện này chưa?

Liệu khi cấp phép xây dựng khu vực này, có ai nhớ đến khu đô thị từng được coi là đô thị kiểu mẫu Linh Đàm? Dân cư ở đó bây giờ gọi taxi rất khó, vì các lái xe đều sợ bị tắc đường bất kể giờ giấc nào. Nhiều lái xe taxi thường kêu ca với khách không hiểu sao người ta có thể ken dầy chi chít cao ốc đến thế.

Ngày trước ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có văn phòng Kiến trúc sư trưởng. Dân chúng yên tâm vì chắc chắn đã có người, có đơn vị lo toan việc quy hoạch. Họ là các kiến trúc sư được chọn lọc nên hiểu biết chắc chắn là sâu rộng hơn người thường. Không hiểu vì sao các chức danh này biến mất.

Thiếu kiến trúc sư tài giỏi ư? Vô lý! Không ai chịu nhận trách nhiệm ư? Cũng vô lý! Chẳng có lẽ toàn bộ quy hoạch đều thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố, khi mà các cán bộ công quyền này luôn tràn ngập công việc phải lo, ngập lụt, mưa bão, rồi lo sao hàng ngày có thể chôn lấp hàng nghìn tấn chất thải mà quá nửa không thể phân hủy, đủ thứ chuyện.

Không có kiến trúc sư trưởng cho thành phố, chúng ta không phát huy được tài năng và trách nhiệm của hàng trăm kiến trúc sư tài giỏi trên khắp Việt Nam. Tôi có người bạn thân rất giỏi, từng tham gia xây dựng Lăng Bác. Khi bàn chuyện quy hoạch đô thị, bạn cười và bảo "có ai hỏi đến bọn mình đâu mà tham gia ý kiến". Tôi vẫn nghĩ, nếu các kiến trúc sư giỏi được tập hợp trong Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố thì chắc rằng nhân dân sẽ bớt ca thán về vấn nạn xây dựng thiếu tầm nhìn quy hoạch như hiện nay.

Thật tình, muộn còn hơn không. Nếu cứ để Hà Nội xây dựng như hiện nay thì không biết thành phố của chúng ta trong ít năm nữa sẽ ra sao?

Nguyễn Lân Dũng

Bãi tắm tự phát dưới chân cầu biến sông Hồng thành bãi biển mini
Đề xuất lấy nước sông Hồng 'giải cứu' sông Tô Lịch, phát triển tuyến buýt đường thuỷ
Hà Nội phản hồi về bài viết đổ trộm rác thải lấp sông Hồng
Ảnh: Chuyện tình đẹp như cổ tích của cụ ông 'cướp cơm Hà Bá' trên sông Hồng
Sông Hồng biến dạng trong cơn đói cát
3 triệu đồng/người cho chuyến tham quan sông Hồng bằng trực thăng

 

/ vnexpress.net