Các chuyên gia nước ngoài đã đưa ra phương án điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phần lớn trong số đó đều tập trung đề cập đến việc quy hoạch hạ tầng giao thông, đều chỉnh cảnh quan, thiết kế đô thị...
Các chuyên gia nước ngoài đã đưa ra phương án điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phần lớn trong số đó đều tập trung đề cập đến việc quy hoạch hạ tầng giao thông, đều chỉnh cảnh quan, thiết kế đô thị...
Ngày 8.11, UBND Đà Nẵng tổ chức buổi Hội thảo phản biện Dự án Điều chỉnh Quy hoạch chung cho thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo chuyên gia Maysho Prashad (Mỹ), khi quy hoạch thành phố Đà Nẵng ngoài phát triển công nghệ cao cũng cần chú trọng duy trì phát triển các ngành kinh tế truyền thống nhưng không kém phần quan trọng như tiểu thủ công nghiệp, các ngành kinh tế truyền thống ở chợ.
Ngoài ra, cũng cần xem xét phát triển các cụm du lịch ở hai bên bờ sông Hàn; thành phố cũng cần có những khu vực du lịch mạng tính truyền thống, đây sẽ vốn quý mà Đà Nẵng dùng để tận dụng trong tương lai.
Ông Maysho Prashad đánh giá tầm nhìn, chiến lược và cấu trúc không gian tổng thể. Ảnh: BT |
"Ngoài ra, đối với mạng lưới cây xanh trong nội đô cũng cần bố trí tập trung, phân bổ hợp lý để giải quyết các vấn đề đô thị. Đây là thời điểm thích hợp để chính quyền sở tại đưa ra những ý kiến táo bạo, đột phá", ông Prashad nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông, chuyên gia Nhật Bản là ông Shigeru Matsumura nhận định, nên giảm mật độ xe máy từ 90% như hiện tại xuống còn khoảng 50% trong tương lai. Chú trọng việc tái cơ cấu giao thông công cộng, tăng các tuyến buýt nhanh, xe điện ngầm để giảm tải lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Đối với việc phát triển đường cao tốc kết nối TP.Đà Nẵng với các tỉnh thành lân cận cũng cần có cái nhìn tổng thể trước khi bắt tay xây dựng để có thể phát huy tối đa giá trị của nó, tránh lãnh phí.
Cùng chung quan điểm, ông Oliver Soquet (Cty Tư vấn DESO, Pháp) cũng lập luận, thành phố có bản sắc là thành phố có câu chuyện riêng của nó, con sông Hàn chính là linh hồn của thành phố, hai bên bờ sông Hàn rất hấp dẫn du khách, dễ để phát triển du lịch mà không cần tốn quá nhiều chi phí để xây dựng các công trình phục vụ cho các mục đích khác nhau. Mật độ dân số hiện đang khá thấp nên vẫn còn có nhiều cơ hội để phát triển thành phố mang bản sắc riêng theo mong muốn.
Thành phố Đà Nẵng cần nên tham khảo cấu trúc không gian tổng thể của thành phố Brussels (Bỉ), Pari (Pháp)... các khu vực nâng cao mật độ dân số trong tương lai phải nằm trong khu vực lõi thành phố. Xây dựng thành phố phải hấp dẫn với người trẻ, thành phố muốn phát triển bền vững trong tương lai thì phải giữ được "lời hứa" trong quy hoạch.