Dự kiến trong tương lai sẽ có tuyến tàu điện kết nối TP Đà Nẵng với TP Hội An (Quảng Nam). Để ý tưởng trên thành hiện thực, Đà Nẵng kêu gọi tư nhân đầu tư khoảng 660 triệu USD.
Chiều 14/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2017 tổ chức vào ngày 15/10, với sự tham gia của 500 khách mời là lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Xây dựng tuyến tàu điện từ Đà Nẵng đi Hội An
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, tiết lộ thông tin khiến nhiều người bất ngờ. Ông nói giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cần phải có sự kết nối gần hơn về khoảng cách giao thông. Trong đó, Hội An là một di sản, còn Đà Nẵng lại sở hữu sân bay quốc tế.
Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết Đà Nẵng và Quảng Nam đã đồng ý về chủ trương triển khai dự án tuyến tàu điện từ sân bay vào TP Hội An.
Do đó, để phát triển hai địa phương này nhất thiết cần phải nối gần khoảng cách hơn nữa.
Để nối liền khoảng cách ấy, theo ông Sơn là phải có tuyến tàu điện từ Đà Nẵng vào TP Hội An.
Ông Sơn thông tin tuyến tàu điện dự kiến có chiều dài 33 km, chạy từ sân bay quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm thành phố, ra tuyến đường Võ Nguyên Giáp rồi đến Hội An.
Với dự định như trên, dự án cần khoảng 7.000-15.000 tỷ đồng (tương đương 330-660 triệu USD). Giải pháp để có số tiền triển khai dự án sẽ từ nguồn vốn ODA hoặc PPP... Thời gian thực hiện dự khoảng 2017-2023.
Ông Sơn lý giải với hình thức vay vốn ODA, chủ đầu tư cần khoảng 300 đến 600 triệu USD. Vốn đối ứng do ngân sách địa phương hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng chi trả 33-66 triệu USD.
“Có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tham gia và đề xuất dự án này. TP Đà Nẵng mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư từ phía các nhà đầu tư”, ông Sơn nói.
Đà Nẵng sẽ tận dụng sự kiện APEC để kêu gọi đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đã đồng ý về chủ trương cùng xúc tiến dự án tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng và TP Hội An.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho biết đây mới là dự án tiềm năng và kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, khai thác, nhằm gia tăng giá trị du lịch, giá trị sử dụng đất và hiệu quả giao thông đi lại trong tương lai.
Tận dụng APEC để kêu gọi đầu tư
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thời gian qua, địa phương đã không ngừng nỗ lực huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA và của doanh nghiệp để thực hiệndự án cơ sở hạ tầng. Những nguồn vốn này được Đà Nẵng sử dụng có hiệu quả, mang lại lợi ích cao.
Cho rằng Đà Nẵng cần phát triển hơn nữa để xứng đáng "đầu tàu" của miền Trung, ông Tuấn thong tin thành phố đang tập trung nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để giảm tải cho cảng Tiên Sa, nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ tại khu vực phát triển du lịch của thành phố.
Đà Nẵng kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu để giảm tải cho Cảng Tiên Sa.
Việc xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ rút ngắn tuyến đường trung chuyển hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông Tây kết nối từ Myanmar, sang Thái Lan, Lào, và điểm cuối là Đà Nẵng.
Còn dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng sẽ là một trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thành phố đang xúc tiến triển khai.
Lãnh đạo Đà Nẵng kỳ vọng những dự án này sau khi được hoàn thành sẽ giúp địa phương phát triển đô thị một cách hiệu quả, hiện đại và bền vững. Đối với những dự án về giao thông, Đà Nẵng sẽ giảm tai nạn, ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm.
Thừa nhận địa phương đang rất khó khăn về nguồn vốn để triển khai các dự án trên, ông Tuấn cho biết sắp tới tại Đà Nẵng sẽ diễn ra tuần lễ cấp cao APEC, với sự tham dự của 21 lãnh đạo các nền kinh tế và hàng nghìn lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu.
Địa phương xem đây là cơ hội "nghìn năm có một" để địa phương chứng minh thực lực về một thành phố đáng sống và sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư. Phó chủ tịch Đà Nẵng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế tại Đà Nẵng.