Sống dễ lắm

Mấy tuần trước, tôi đọc thấy tạp chí The Economist bầu Uzbekistan là “Quốc gia tiêu biểu" của năm 2019. Tôi rất tò mò. 

The Economist là một tờ tôi rất tín nhiệm. Nhưng Uzbekistan thì tôi không biết gì hơn ngoài đội tuyển U23 vô địch châu Á. Với kiến thức địa lý của tôi thì phân biệt vị trí các quốc gia Trung Á có đuôi –stan trong tên đã khó khăn.

Tôi dành một buổi đọc về Uzbekistan bằng tiếng Anh. Không có nhiều thông tin, ngoại trừ việc quốc gia non trẻ này đã gặp nhiều thách thức thế nào về kinh tế và chính trị sau khi độc lập khỏi Liên Xô. Việc này chỉ tạo ra thêm nhiều thắc mắc. Tôi quyết định viết một lá thư.

Tôi lên mạng, lập một bảng Excel tên và địa chỉ email của tất cả các học giả Uzbekistan có thể tìm thấy trong các website trường đại học. Tôi chỉ biết viết tiếng Anh. Ở Uzbekistan chắc các học giả sẽ thạo tiếng Nga hơn, nhất là các giáo sư đang giảng dạy đại học thì chắc chắn phần lớn trưởng thành trong nền giáo dục Liên Xô, tôi suy luận. Tỷ lệ người đọc và trả lời có lẽ sẽ thấp, hoặc đây là một cuộc đi câu vô vọng. Nhưng tôi quyết định là mình sẽ gửi cho đến khi nào nhận được hồi âm thì thôi.

"Thưa Ông/Bà...

Tôi là Đức Hoàng, một phóng viên. Tôi đang phụ trách mục quan điểm của VnExpress, tờ báo nhiều người xem nhất Việt Nam. Lá thư này nhằm xin giúp đỡ cho khảo cứu của tôi. Xin đừng bỏ qua nó như một trò lừa trên mạng.

The Economist vừa tặng Uzbekistan danh hiệu "Quốc gia của năm 2019" cho những nỗ lực cải cách gần đây. Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng với tư cách một nước nhỏ và cũng sống cạnh một siêu cường, người Việt chúng tôi thường quan tâm đến thành tựu của những nước nhỏ khác và lấy đó làm cảm hứng. Chúng tôi cũng đang trong một cuộc cải cách kéo dài và đối mặt với những thách thức của việc sống cạnh nước lớn.

Bất chấp danh hiệu "Quốc gia của năm", thông tin tôi tìm thấy trên báo chí phương Tây rất hạn chế. Những bài viết này tô lên một bức tranh u ám, với các thách thức về thiếu nước, sự bốc hơi của biển Aral, lao động trẻ em trong ngành trồng bông và các vấn đề về tự do chính trị.

Tôi nghĩ đấy không phải là những gì người Uzbek cảm nhận về quốc gia của họ. Không được thiên nhiên ưu đãi, quốc gia non trẻ của các bạn đã vượt qua rất nhiều khó khăn để tìm kiếm tự do và thịnh vượng.

Tôi biết rằng mình chỉ có thể tìm thấy câu trả lời từ chính người Uzbek, nên viết lá thư này. Những trí thức Việt Nam như tôi, đứng trước các vấn đề quốc gia, cũng thường đối mặt với nhiều câu hỏi: Đi hay ở lại? Đây có phải nơi mình thuộc về? Làm thế nào để giữ cảm giác rằng đây là nơi mình thuộc về?

Tôi hy vọng rằng ông/bà - một người hiểu biết ở quốc gia nổi bật nhất hành tinh năm 2019 – có thể cho tôi gợi ý về câu hỏi này.

Câu hỏi của tôi: Điều gì giúp những người Uzbek – như ông/bà – vượt qua những khó khăn tôi nhìn thấy để tiến đến tự do và thịnh vượng? Ông bà có thể nói gì về tình yêu cho tổ quốc? Điều gì ông/bà thường nghĩ đến và nhìn vào để tìm kiếm sức mạnh tạo nên điều tốt đẹp?..."

Tôi gửi đi hơn 30 địa chỉ. Một tỷ lệ lớn báo "địa chỉ mail không tồn tại". Một vài người khác để mail Yahoo! (người ta thực sự vẫn còn dùng mail Yahoo?). Tất nhiên là bạn không thể trông chờ vào tính cập nhật trên website tiếng Anh của các đơn vị công lập ở những nước đang phát triển không dùng tiếng Anh, chuyện này chúng ta có kinh nghiệm. Nhưng tôi vẫn cần mẫn gửi tiếp.

Cuối cùng, tôi cũng nhận được một câu trả lời.

"Gửi ông Đức Hoàng,

Cảm ơn ông vì sự quan tâm đến đất nước chúng tôi. Tôi rất tự hào khi đọc được lá thư của ông.

Tiếng Anh của tôi không được tốt, và vì thế tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông rất ngắn gọn.

Để vượt qua những khó khăn, người Uzbek nói chung và bản thân tôi sẽ tìm thấy động lực khi nghĩ về tương lai, nghĩ rằng chúng tôi sẽ để lại gì cho thế hệ sau, cho con cái mình.

Trân trọng,

Qahramon Kenjayevich Rajabov,
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lịch sử
Viện Lịch sử, Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan

Tôi rất cảm kích khi nhận được thư trả lời. Nhưng tôi cũng không giấu được hẫng hụt. Một câu trả lời quá ngắn. Đặt độ dài hai lá thư cạnh nhau thì thấy bài hùng biện của tôi thật vô duyên. Tôi đối mặt với câu hỏi: dừng lại hay gửi thư tiếp?

Tôi suy nghĩ một ngày, và quyết định rằng mình sẽ dừng lại ở đây. Thật ra, khi nghĩ kỹ lại, câu trả lời của Giáo sư Qahramon Rajabov là tất cả những gì tôi cần trong cuộc tìm kiếm nhỏ này. Nó là đáp án tối hậu cho mọi thắc mắc về nhân tình thế thái.

Giáo sư Qahramon Rajabov không nói ra một câu sáo rỗng. Với sự trợ giúp của 3 loại từ điển trực tuyến khác nhau, tôi đọc về Rajabov - một nhân vật nổi bật của ngành sử học Uzbekistan. Ông là tác giả sách giáo khoa môn sử phổ thông ở nước này.

Qahramon Rajabov dành phần lớn sự nghiệp để xây dựng danh tính cho quốc gia Uzbekistan bằng các cứ liệu lịch sử. Ông là một trong những học giả đầu tiên gọi những cuộc nổi dậy của người dân vùng Trung Á khỏi sự ảnh hưởng của Nga là "giành độc lập" chứ không phải là "phiến quân" (bosmachi) như cách dùng từ bắt buộc thời Liên Xô. Trong các bài phỏng vấn, Rajabov thực sự quan tâm đến việc "để lại gì cho thế hệ trẻ", mà trong nghề của ông, là danh tính của một quốc gia Uzbekistan độc lập về văn hóa và tư tưởng từ thời cổ - một thứ lịch sử không bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền dưới các chế độ chính trị.

Cuối cùng, thứ gì quan trọng nhất với chúng ta khi đương đầu với các khó khăn, cho dù là ở quy mô gia đình hay quốc gia? Chính là việc nghĩ về lũ trẻ. Ngay lúc đọc thư của Qahramon Rajabov, tôi đã nhớ đến một câu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống".

Tôi đăng nguyên cuộc trao đổi kỳ lạ lên đây. Bạn sẽ dễ nhận ra rằng có sự chênh lệch giữa hai bên, một bên hỏi rất nhiều, và một bên chỉ có một đáp án ngắn. Tôi không cho rằng đó là vấn đề rào cản ngôn ngữ: đó là một câu trả lời đầy đủ.

Sắp bước vào những ngày đầu năm mới. Chúng ta sẽ nhìn vào mắt nhiều đứa trẻ và mừng tuổi cho chúng - nói ra những lời chúc và thực sự hy vọng chúng có một tương lai đẹp đẽ.

Tôi cũng không thực lòng biết mình đã tìm kiếm gì trước khi gửi đi lá thư kia. Trong mơ hồ, tôi đã tưởng tượng sẽ nhận về (nếu có) những câu trả lời gai góc và nhiều triết thuyết hơn về dân tộc, về quốc gia, về chính trị. Nhưng hóa ra thứ giàu tính triết thuyết nhất, lại chỉ gói trong một câu.

Buổi sáng ngày mùng Một, khi nhìn vào những đứa trẻ, hy vọng rằng bạn có thể tìm thấy những câu trả lời cụ thể hơn cho chính mình, rằng năm nay, năm sau hay là tương lai dài hơn, bạn sẽ làm gì, trở thành ai và để lại điều gì. Có thể câu trả lời bấy lâu bạn tìm nằm ở đó. Một giáo sư ở tận bên kia địa cầu đã nhắc lại cho chúng ta, rằng sống dễ lắm.

Đức Hoàng

song de lam "Những thập kỷ mất mát" của Nhật ám ảnh tương lai Mỹ
song de lam 10 tính năng AI của điện thoại tương lai
song de lam KCM trao tặng học bổng cho sinh viên trong chương trình “Gieo hạt giống tương lai năm 2019”
song de lam Sách giáo khoa mới: Vì tương lai con em chúng ta, nên chọn sách nào?

/ vnexpress.net