Ngày 5/5, tại Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 3 nhằm triển khai thực hiện các quy hoạch vùng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo sơ kết Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Thủ tướng sẽ phê duyệt cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong tháng 5
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ có 29 dự án quan trọng, liên kết vùng. Đến nay, đã khởi công 4 dự án, đang triển khai các thủ tục đầu tư 5 dự án và đang nghiên cứu, triển khai 20 dự án.
Đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tất cả thủ tục liên quan đã xong. Hiện, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT rà soát lại hồ sơ, khẳng định hồ sơ đủ điều kiện xem xét phê duyệt.
Liên quan đến dự án này Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi cho biết hiện tại TP.HCM đã trình Bộ KH&ĐT thẩm định báo cáo tiền khả thi, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong tháng 5 này.
"Nếu tháng 5 này Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng sẽ triển khai từ tháng 10/2024 và có thể khởi công dự án vào dịp 30/4/2025", ông Mãi cho biết.
Về dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Phan Văn Mãi cho biết hồ sơ đang được hoàn thiện, gửi về Bộ KH&ĐT để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch và cơ sở để phê duyệt đầu tư dự án.
"Tháng 5 này nhà đầu tư sẽ cử đoàn sang làm việc, chuẩn bị hồ sơ, phía nhà đầu tư cũng rất quyết tâm và có năng lực", ông Phan Văn Mãi nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị lần này tập trung bàn về việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vừa được ban hành tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024.
Sau khi Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết, đến nay đã xây dựng xong quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch vùng và đồng loạt triển khai nhiều dự án.
Việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng.
Đồng thời, cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn; Triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng.
Đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý, kinh tế của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các vùng lân cận.
Đến 2030 Đông Nam Bộ sẽ có 850km cao tốc
Quang cảnh Hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng (đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng cạn…) tạo cơ sở hình thành, phát triển các hành lang, vành đai kinh tế.
Bên cạnh mục tiêu hoàn thành khoảng 850km đường bộ cao tốc, đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ cũng sẽ được quan tâm, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không, đường thủy nội địa.
Trong đó, xây dựng các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Gò Dầu - Xa Mát, đồng thời mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương.
Riêng với tuyến TP.HCM - Mộc Bài sẽ nghiên cứu kết nối với tuyến cao tốc của phía Campuchia phù hợp với nhu cầu vận tải.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quá tải, thời gian qua TP.HCM, Đồng Nai nhiều lần đề nghị sớm mở rộng để kết nối đến sân bay Long Thành trong tương lai.
Vành đai 3, 4 TP.HCM cũng sẽ được khép kín trong giai đoạn này. Nghiên cứu quy hoạch tuyến đường Vành đai 5 TP.HCM kết nối các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và kết nối liên vùng với các tỉnh Tây Nguyên.
Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đề ra mục tiêu vùng Đông Nam Bộ sẽ đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư, TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng.
Về đường sắt, quy hoạch đề ra yêu cầu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Nha Trang - TP.HCM; các tuyến đường sắt kết nối cảng biển Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến kết nối liên vùng TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến TP.HCM - Lộc Ninh kết nối với Campuchia.
Về cảng biển, tập trung phát triển khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép Thị Vải và xây dựng khu bến cảng Cần Giờ thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Đồng thời, phát triển cụm cảng TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và khu vực phụ cận…